Hướng đến mô hình chính quyền điện tử

04:01, 11/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho thấy, tỉnh ta đang nỗ lực xây dựng mô hình chính quyền điện tử. Việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động nội bộ các cơ quan Nhà nước, lấy người dân làm trung tâm, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao là nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả.


Tạo đột phá trong cải cách TTHC

Không còn phải xếp hàng dài ở bộ phận một cửa tại các cơ quan hành chính để đăng ký giấy chứng nhận kinh doanh; cấp, đổi giấy phép lái xe… hiện nay, người dân có thể thực hiện dịch vụ công ở bất cứ đâu chỉ với một chiếc máy tính kết nối internet. Những tiện ích này có được sau khi tỉnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi (tại địa chỉ http://dichvucong.quangngai.gov.vn) vào tháng 9.2015. Theo đó, 12 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được cung cấp gồm các thủ tục hành chính (TTHC) của 5 Sở: TT&TT, Y tế, Tư pháp, LĐ-TB&XH và KH&ĐT, đó là: Đăng ký kinh doanh; cấp giấy phép đầu tư; cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; cấp giấy đăng ký hành nghề y, dược; TTHC tư pháp; TTHC lĩnh vực hỗ trợ tư pháp; TTHC lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội và TTHC lĩnh vực việc làm, an toàn lao động.

Lễ khai trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 tỉnh Quảng Ngãi.
Lễ khai trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Ý THU


Dịch vụ hành chính công ra đời giúp giảm thời gian thụ lý hồ sơ và đơn giản hóa các TTHC. Thông qua cổng thông tin điện tử này cho phép công dân, doanh nghiệp (DN) tham gia trực tiếp vào dịch vụ như: Gửi tiếp nhận hồ sơ, tra cứu tình trạng xử lý của hồ sơ, nhận thông báo kết quả xử lý trực tuyến… Bên cạnh đó, còn giúp quá trình xử lý hồ sơ được mạch lạc, tuần tự theo quy định, tránh sai sót, rút ngắn thời gian xử lý và tiết kiệm đáng kể chi phí hành chính.
 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định, cải cách hành chính là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm. Để thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu và các bước triển khai thực hiện đồng bộ, nhằm tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết XIX của Đảng bộ tỉnh.

Người dân là trung tâm phục vụ

Với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, công dân, tổ chức và DN chỉ phải đến duy nhất một lần trong giờ hành chính tại bộ phận “một cửa” của cơ quan quản lý nhà nước để nộp các giấy tờ cần chứng thực, còn lại mọi quá trình khác đều được giao tiếp qua cổng thông tin điện tử.

Tại Sở GTVT, từ tháng 6.2015, công dân có nhu cầu đổi giấy phép lái xe chỉ cần vào địa chỉ dichvucong.gplx.gov.vn, để đăng ký, điền đầy đủ thông tin của mình về giấy phép lái xe, rồi gửi đi trên môi trường mạng. Anh Lê Anh Tuấn ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), cho biết: Quá trình đăng ký hồ sơ trực tuyến như vậy giúp mình chủ động được thời điểm để đến Sở GTVT giải quyết công việc. Khi đến bộ phận cấp, đổi giấy phép lái xe của Sở, mình chỉ mất hơn 1 giờ. Kết quả đó đã góp phần làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, tổ chức, doanh nghiệp theo hướng hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích, cung cấp dịch vụ công mức độ 3 đã phát huy quyền dân chủ của người dân, tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước và đội ngũ CBCCVC. Ngoài ra, cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn góp phần tạo ra cơ chế giám sát lẫn nhau trong thực thi nhiệm vụ của CBCCVC.

Ông Trần Thanh Trường - Phó Giám đốc Sở TT&TT, cho biết thêm: Trong số 1.168 dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 2, tỉnh đã chọn ra những dịch vụ công thiết yếu, có mức độ giao tiếp lớn với người dân, tổ chức và DN để cung cấp đến mức độ 3 nhằm giảm phiền hà cho người dân, tạo cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư. Trong đó có 17 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 thuộc lĩnh vực xây dựng, 7 nhóm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực KH&ĐT, Tư pháp, LĐ-TB&XH, báo chí xuất bản và y tế.

Hướng đến chính quyền điện tử

Hiện nay, hầu hết các cơ quan nhà nước đã trang bị đủ số lượng máy vi tính cần thiết, các thiết bị CNTT khác, các phần mềm chuyên dụng cũng được trang bị đồng bộ, nhằm hoàn thiện mạng LAN có kết nối interrnet tốc độ cao, để phục vụ công tác chuyên môn, quản lý điều hành của từng đơn vị. Tỷ lệ trung bình máy tính/CBCCVC đạt khoảng 0,8, có nhiều cơ quan tỷ lệ này đạt 1 máy/người. Các cơ quan nhà nước trực thuộc UBND tỉnh hầu hết đều đã có mạng LAN và kết nối sử dụng Internet; với khoảng 90% máy tính được kết nối mạng LAN và khai thác sử dụng Internet... Còn theo báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - TT Việt Nam năm 2014 do Bộ TT&TT phối hợp cùng Hội Tin học Việt Nam tổ chức đánh giá hằng năm, thì năm 2014, Quảng Ngãi đứng ở vị trí 37/63 tỉnh, thành trong cả nước về mặt ứng dụng CNTT (thuộc nhóm trung bình - khá).

TIN LIÊN QUAN


Ngay trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy đã xác định chọn chủ đề của năm 2016 là: “Cải cách TTHC và thu hút đầu tư”. Cùng với quyết tâm của tỉnh, trong giai đoạn mới, Chương trình Quốc gia ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 cũng đưa ra hàng loạt các chỉ tiêu như: Cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và DN. Cụ thể, 30% hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến tại mức độ 4; 95% hồ sơ khai thuế của DN được nộp qua mạng; 90% số DN thực hiện nộp thuế qua mạng; 50% số hộ, cá nhân kinh doanh kê khai nghĩa vụ thuế phát sinh qua mạng từ việc cho thuê tài sản và lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô, xe máy…


NG.TRIỀU - Ý THU

 


.