(Báo Quảng Ngãi)- Mười năm qua, Trung tâm Giống mía Quảng Ngãi đã khảo nghiệm, ứng dụng thành công nhiều giống mía có năng suất và chất lượng cao cho vùng mía Quảng Ngãi cũng như các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, góp phần rất lớn trong việc thay đổi bộ giống mới.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trung tâm Giống mía Quảng Ngãi thành lập khá lâu nhưng mốc đáng nhớ là vào tháng 4.2004 khi Bộ NN&PTNT ra quyết định thành lập và giao cho Công ty Đường Quảng Ngãi quản lý với gần 33ha đất cùng với với nhiệm vụ là khảo nghiệm sản xuất giống mía kiểm định cấp II cho các tỉnh miền Trung -Tây Nguyên.
Giống mía do Trung tâm giống mía Quảng Ngãi cung cấp góp phần phát triển vùng nguyên liệu mía ở An Khê (Gia Lai). Ảnh: T.L |
Tuy nhiên, chỉ từ năm 2006 đến nay sau khi Công ty Đường cổ phần hóa thì công tác đầu tư kỹ thuật cho cây mía mới được quan tâm đúng mức. Cùng với sự hỗ trợ của các sở, ngành chuyên môn của tỉnh, Trung ương, Trung tâm đã du nhập trên 300 tấn mía giống từ nước ngoài, trong nước với giá trị hàng tỷ đồng. Hàng chục giống mía các loại như MEX 105, ROC27, B85- 764, K88-65, K88-92... qua khảo nghiệm thực tế đã có 6 giống mía được Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT công nhận từ năm 2008.
Ở Quảng Ngãi, ngoài những giống có triển vọng đang tiếp tục khảo nghiệm như LK92-11, K95-156... có thể kể đến giống ROC27, K88-92, K83-29, K88-65... là những giống chủ lực, được trồng bằng cơ giới hoá trên đất đồi dốc, đồng bằng đạt kết quả khá tốt. Theo ông Tạ Công Tường - Phó Giám đốc phụ trách Nhà máy Đường Phổ Phong, nhờ nhiều giống mía tốt đã làm thay đổi được cơ cấu giống mía mới trong tỉnh. Nếu trước đây cơ cấu giống mới chỉ chiếm 30% nay đã chiếm 80%, qua đó góp phần đưa năng suất mía bình quân ở Quảng Ngãi từ 50tấn/ha (năm 2004) lên gần 64 tấn/ha (2013).
Ngoài việc tập trung cho các giống mía trong tỉnh, Trung tâm còn phối hợp với các nhà máy đường ở miền Trung -Tây Nguyên như Phú Yên, Đăk Nông, Kon Tum... Đặc biệt, Trung tâm cung đã cấp nhiều giống mía mới cho Nhà máy đường An Khê - Gia Lai đạt kết quả rất cao về năng suất và chất lượng. Ở vùng mía An Khê hiện tại có gần 25.000ha thì đã có 10.000ha được đầu tư bằng giống mới, gần 3.000ha cho năng suất mía bình quân 120 tấn/ha.
Ngoài cây mía, gần đây Trung tâm còn phối hợp và theo dõi thí nghiệm, khảo nghiệm cây đậu nành (gần 4ha do Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng đậu nành Vinas Soy (VSAC) Quảng Ngãi thực hiện. Vấn đề này được ông Võ Thành Đàng - Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi cho biết tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi vào tháng 6.2014. Đó là, hiện nay Công ty có hai nhà máy sữa với tổng công suất 300 triệu lít/năm.
Hai nhà máy sử dụng hàng chục ngàn tấn đậu nành nguyên liệu mỗi năm, trong khi Quảng Ngãi chưa cung cấp được ký đậu nành nào. Việc Công ty thành lập VSAC là để giải quyết nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sữa trong đó có cây đậu nành ở Quảng Ngãi. Tuy nhiên, do năng suất đậu nành trong nước còn thấp, nên Công ty đã hợp tác với hai trung tâm chuyên nghiên cứu về đậu nành hàng đầu của Mỹ thuộc Đại hoc Missorri và Đại học Illinois.
Mục đích để nghiên cứu, lai tạo giống, đồng thời cho ra những sản phẩm thực phẩm khác từ thiên nhiên. Chủ trương này được Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao và ủng hộ. Đồng chí Trần Văn Minh – Phó Bí thu Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp đã chỉ đạo: “Không chỉ tập trung phát triển Trung tâm nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vina Soy mà phải nâng lên thành Viện nghiên cứu sinh học nông nghiệp, nhằm tạo ra sự đột phá trong việc tìm giống mới, ứng dụng mới phục vụ hoạt động SXKD của công ty, đồng thời giúp cho ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững”.
Trần Nam