(Báo Quảng Ngãi)- Cho đến nay, sau nhiều năm sưu tầm, chúng tôi tìm thấy hơn 20 bản gia phả Hán Nôm của các dòng họ trong tỉnh Quảng Ngãi, trong đó bản gia phả họ Trương ở làng Mỹ Khê, có tên gọi là “Trương tộc thế phả” là một trong số ít bản gia phả đặc biệt quan trọng.
Gia phả họ Trương ở làng Mỹ Khê huyện Bình Sơn (nay thuộc xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi) do Cử nhân, Tri huyện Đức Phổ hồi hưu là Trương Quang Phùng (hậu duệ đời thứ 9), soạn thảo vào năm 1926. Bản gia phả Hán Nôm này đóng thành 5 quyển, bằng giấy dó, loại dày, khổ 13 x 25cm, có tất cả 518 tờ. Hiện bản gốc “Trương tộc thế phả” còn lưu tại nhà thờ ông Trương Quang Du (đời thứ 8, người con thứ 7 của Tuy Thạnh quận công Trương Đăng Quế), tại quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đọc văn bia trước nhà thờ Thái sư Trương Đăng Quế. ẢNH: ĐĂNG VŨ |
Vì xem là một tập sử liệu, nên “Trương tộc thế phả” giúp chúng ta hiểu thêm về các mối quan hệ trong một thời kỳ lịch sử đầy biến động, đầy mâu thuẫn, đặc biệt là giữa Nhà Tây Sơn và Nhà Nguyễn. Có thể vì đây là cuốn gia phả được viết vào thời Nhà Nguyễn, nhiều con cháu trong dòng họ làm quan thời Nhà Nguyễn, nên việc ghi chép về những người làm quan trong thời Tây Sơn không được ghi kỹ lưỡng cũng là lẽ thường tình. Nhưng, dẫu không được ghi chép kỹ lưỡng, nhưng người đọc vẫn có thể thấy, người viết gia phả luôn ghi một cách trân trọng, hiếm khi tránh né (dù ngắn gọn), về những người trong họ tộc có tham gia trong Triều Tây Sơn, như về các ông Trương Đăng Chấn, Trương Đăng Nghĩa, Trương Đăng Phác, Trương Đăng Yến và đặc biệt là về ông Trương Đăng Đồ (danh tướng thời Tây Sơn, đời thứ 6, Đô đốc, trấn giữ Bắc thành).
Từ những ghi chép này, có thể còn thấy, mặc dù ông Trương Đăng Quế là con, cháu của những người làm quan hoặc gắn bó với thời Tây Sơn (ông Trương Đăng Phác là thân phụ, ông Trương Đăng Đồ là chú ruột), nhưng Vua Gia Long lẫn các vị vua sau này, đều đặc biệt tin tưởng, coi trọng tài năng, nể phục nhân cách ông Trương Đăng Quế. Nhờ sự tin tưởng, coi trọng lẫn nể phục đó mà ông Trương Đăng Quế mới được thăng Phụ chính đại thần, Cần chánh điện Đại học sĩ, sung Cơ mật viện đại thần, Kinh diên giảng quan, Quốc sử quán tổng tài, kiêm quản Khâm Thiên Giám, Tuy Thạnh quận công, tặng Thái sư và là Lưỡng triều Cố mạng lương thần. Và cả các con của ông, đặc biệt là Trương Quang Đản, được phong là Phụ chánh đại thần, Thái tử thiếu phó, Đông các Đại học sĩ, sung Cơ mật viện đại thần, Quốc sử quán Tổng tài, Kinh diên Giảng quan, Quản Quốc tử giám, kiêm Đốc sở Ngu hành đại thần, Lãnh Lễ bộ Thượng thơ trí sự, tặng Thái bảo, thụy Văn Nghị Trương tướng công. Ông Trương Quang Đễ, cũng là con ông Trương Đăng Quế, từng làm Tả Tham tri bộ Binh...
Những nhận định nêu trên chắc hẳn chưa đầy đủ. Cần phải có những bài nghiên cứu kế tiếp của những ai quan tâm, như về các câu chuyện “ngoại sử” trong gia phả, việc cải chính về các ngày sinh, ngày mất, tên gọi của các danh thần họ Trương, mà lâu nay các sách, báo còn ghi chưa chính xác; về những người đỗ đạt trong dòng họ, như về ông Trương Đăng Quế, đỗ Hương tiến (tức Cử nhân) - người khai khoa trong tỉnh thời Gia Long, ông Trương Đăng Trinh đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Dần (1842), là người khai đại khoa cho tỉnh Quảng Ngãi...
Tiến sĩ
NGUYỄN ĐĂNG VŨ