Đề cương về văn hóa Việt Nam: Ánh sáng soi đường, động lực phát triển văn hóa

10:02, 28/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- "Đề cương về văn hóa Việt Nam" do Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút và được Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua năm 1943. Đây được coi là tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa Việt Nam, là ánh sáng soi đường, là động lực phát triển văn hóa. Đề cương về văn hóa Việt Nam đã cổ vũ trí thức, văn nghệ sĩ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng nền văn hóa mới, góp phần giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.
 
[links()]
 
Kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam" (1943 - 2023) là dịp để chúng ta khẳng định và phát huy những giá trị cốt lõi của văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này. Từ đó đề ra những giải pháp phù hợp để xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới. 
 
Bản Tuyên ngôn của Đảng về văn hóa 
 
"Đề cương về văn hóa Việt Nam" đề cập đến 3 phương châm: Dân tộc hóa, hiện đại hóa, đại chúng hóa. Đây là nền tảng chủ trương, chính sách về văn hóa của Đảng, khởi đầu cho một cuộc cách mạng văn hóa. Văn hóa ở đây không khuôn định trong các sinh hoạt giải trí hay tinh thần, mà bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật, là một trong 3 lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội (chính trị, kinh tế, văn hóa). Văn hóa luôn gắn với con người, yếu tố trung tâm và mang tính quyết định về chất lượng của mọi hoạt động, kể cả hoạt động kinh tế. Do vậy, song song với cách mạng chính trị là cách mạng văn hóa.
 
Bản
Bản "Đề cương về Văn hóa Việt Nam" đăng trên Tạp chí Tiên Phong số 1. Ảnh: baotanglichsu.vn
Bản đề cương dài khoảng 1.500 từ, tuy rất vắn tắt nhưng vừa đáp ứng được nhu cầu cấp bách, mang tính sách lược chống lại chính sách văn hóa nô dịch của Pháp - Nhật, vừa nói đúng vấn đề căn cốt của nền văn hóa mới, mang tính chiến lược. Do vậy, đề cương có sức sống lâu bền trải qua suốt 80 năm và có ý nghĩa sâu sắc trong xây dựng và phát triển văn hóa trong hiện tại và tương lai, nhất là về nhận thức vai trò, vị trí của văn hóa trong toàn bộ đời sống xã hội, về tính tất yếu phải thực thi cách mạng văn hóa, về 3 phương châm dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa trong nội dung xây dựng nền văn hóa mới.
 
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, tàn tích của chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm và chính sách văn hóa nô dịch, ngu dân của chế độ thực dân Pháp hàng trăm năm, cộng với tác động của quân phiệt Nhật khiến văn hóa Việt Nam trong tình trạng lạc hậu, số người có học thức chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong toàn dân. Thậm chí, trong văn hóa có pha lẫn những yếu tố phi dân tộc, sùng ngoại, yếu tố thần quyền và thiếu tính đại chúng. Bản "Đề cương về văn hóa Việt Nam" ra đời ngay “đêm trước của cách mạng” là để có định hướng chung cho văn hóa thời kỳ ấy: Đấu tranh chống lại sự phi dân tộc, phản khoa học và phi đại chúng do bọn ngoại bang thống trị gieo rắc, đồng thời cũng là sự khẳng định những yếu tố cơ bản của văn hóa cách mạng trong tương lai. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong bối cảnh phải đối mặt với thù trong giặc ngoài, với nạn đói hoành hành, nhưng việc diệt “giặc dốt” vẫn đặt ra ngang hàng với diệt “giặc đói” và giặc ngoại xâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Từ đó, phong trào xóa mù chữ và bình dân học vụ, trường học mở ra, phong trào thực hiện văn hóa mới diễn ra ở khắp nơi trong cả nước.      
 
Bước qua 2 cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm, từ sau năm 1975, các phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng tiếp tục định hướng phát triển văn hóa Việt Nam. Năm 1998, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và đến năm 2014 thì ban hành Nghị quyết 33 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Có thể hiểu, 2 nghị quyết nói trên là sự kế thừa, cụ thể hóa, vận dụng, phát triển các nội dung của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" thích hợp với bối cảnh mới. Văn hóa được xác định là “nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển”. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định bản "Đề cương về văn hóa Việt Nam" có giá trị cao, mang ý nghĩa khai phóng, là dấu mốc của cuộc cách mạng về văn hóa, phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng trong xây dựng và phát triển văn hóa vẫn có giá trị bền vững.
 
Trên quê hương Quảng Ngãi 
 
Thời kháng chiến chống Pháp, tỉnh Quảng Ngãi trong vùng tự do Liên khu 5 cũng nằm trong bối cảnh ấy của cả nước. Nghĩa vụ chiến đấu bảo vệ đất nước, tăng gia sản xuất đương nhiên phải thực hiện tốt, mà việc xây dựng văn hóa theo 3 phương châm dân tộc hóa, hiện đại hóa, đại chúng hóa cũng rất được coi trọng. Toàn dân tham gia xóa mù chữ. Các trường học từ tiểu học, đến trung học mở ra, dù điều kiện thời bấy giờ khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt, tại Quảng Ngãi có 2 trường THPT cấp Liên khu đóng trụ sở, đó là Trường Trung học Lê Khiết và Trường Trung học Bình dân miền Nam Trung Bộ, thu hút con em và cán bộ từ nhiều tỉnh trong khu vực về học tập. Từ cái nền học vấn ban đầu này, một lớp người đã trưởng thành và có rất nhiều đóng góp cho đất nước trong các thời kỳ sau. Phong trào xây dựng đời sống mới, bãi bỏ các tập tục lạc hậu, thực hiện ăn ở hợp vệ sinh, diệt trừ các dịch bệnh cũng rất được chú trọng và được toàn dân tham gia thực hiện. Nhiều hoạt động nghệ thuật cách mạng trong phạm vi toàn tỉnh và mang tính khu vực diễn ra trên quê hương Quảng Ngãi. Vừa dân tộc, vừa khoa học, vừa đại chúng, đó là những chuyển biến mang tính lịch sử, cách mạng. Là cái nôi của vùng tự do Liên khu 5, cán bộ và người dân Quảng Ngãi vừa góp phần khởi tạo, vừa có điều kiện để thụ hưởng văn hóa mới.
 
Nhìn lại trong phạm vi tỉnh Quảng Ngãi, có thể thấy rõ từ Cách mạng Tháng Tám đã dần hình thành một thế hệ mới đi cùng với nền văn hóa cách mạng. Các văn nghệ sĩ, nhà văn hóa, nhà giáo, nhà khoa học của tỉnh đã có những đóng góp nổi bật trong nền văn hóa mới của cả nước. Trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, nhiều tập tục lạc hậu bị xóa bỏ. Người dân tiếp cận với tri thức hiện đại, lối sống hiện đại. Nhiều tinh hoa văn hóa của dân tộc được bảo tồn và phát huy. Hệ thống trường học được mở ra đều khắp, ngày càng được mở rộng và nâng cao. Qua 80 năm thực hiện "Đề cương về văn hóa Việt Nam", Quảng Ngãi có một bước tiến dài trong sự phát triển văn hóa.
 
Xây dựng nền văn hóa mới
 
Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, toàn cầu hóa, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, bên cạnh cơ hội để phát triển, nền văn hóa cũng đang đứng trước thử thách mới, với không ít khó khăn, bất cập. Nhiều di sản văn hóa có nguy cơ mai một. Các tệ nạn xã hội mới phát sinh; một số tập tục, lối sống lạc hậu vẫn còn. Nhận thức của nhiều người về vai trò của văn hóa vẫn chưa sâu sắc, còn có tâm lý coi trọng kinh tế hơn văn hóa, không thấy được rằng chính văn hóa của con người cũng sẽ quyết định ngay cả với lĩnh vực kinh tế. Từ ấy mà trong nhiều hoạt động kinh tế thiếu tính bền vững.    
 
Trẻ em Quảng Ngãi cần nhiều không gian vui chơi, sinh hoạt để có điều kiện phát triển toàn diện.                          Ảnh: Ý Thu
Trẻ em Quảng Ngãi cần nhiều không gian vui chơi, sinh hoạt để có điều kiện phát triển toàn diện. Ảnh: Ý Thu
Để xây dựng nền văn hóa mới theo phương châm dân tộc hóa cần đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa cổ truyền; đồng thời tạo tác những nhân tố văn hóa đậm tính dân tộc có chất lượng cao, thấm đẫm tính nhân văn, hồn cốt dân tộc và có sức hấp dẫn, thuyết phục. Xây dựng văn hóa mang tính khoa học cần phải ra sức tiếp cận với khoa học hiện đại của thế giới, nắm bắt khoa học công nghệ cao. Xây dựng văn hóa theo hướng đại chúng hóa cần nâng cao chất lượng xã hội học tập, để đại chúng ngang tầm văn minh hiện đại. Vấn đề quan trọng nữa là, xử lý mối quan hệ giữa 3 nguyên lý dân tộc, khoa học và đại chúng sao cho nhuần nhuyễn, để chúng không loại trừ nhau mà tương hỗ nhau, tạo nên cộng hưởng thúc đẩy sự phát triển chung trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
 
CAO CHƯ
 
 

.