(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày đầu đông, tâm trạng tôi cứ lan man nhẹ bẫng, rồi lại cay cay nơi khóe mắt khi nhớ về ngọn khói ở quê nhà, ngọn khói của rơm rạ, ngọn khói của mùa màng vừa đi qua bão lũ. Khói khơi gợi ký ức dẫn dắt về với ngõ xóm đồng quê, với bếp lửa nhà mình một thuở.
Có ngọn khói cha tôi rít thuốc lào rồi thả lên cao mỏng manh vấn vương. Bao vất vả nhọc nhằn ngấm sương gió vào ông, ngấm vào vị khói. Đó là chút mộng mơ hiếm có giữa ngày thường của ông. Ông hút thuốc hay đang hút từng ký ức. Khói như hút hết mọi gian truân để tan vào không gian, trả lại cho ông cái cảm giác thật sảng khoái sau tiếng “khà”, và ông hớp một ngụm nước chè xanh sóng sánh cũng đang bốc khói. Thật lạ, chỉ có mấy lá thuốc lào sấy mỏng, mấy búp chè xanh chát được trồng trên vùng đất đai không lắm phù sa màu mỡ, vậy mà đã chắt chiu lên men hương đất, hương trời tỏa khói.
(Ảnh minh họa) |
Tôi nhớ làm sao những ký ức khói mùa đông khi cánh đồng chiều chỉ còn trơ gốc rạ, vết chân trâu sũng nước. Không ngờ ở đó có những chú cá rô đồng nhảy bong bóc. Lũ trẻ dùng cành tre tươi xiên cá và nướng. Chao ôi, vị mỡ cá từ bụng trứng căng tròn nứt ra xèo xèo chảy. Mùi cá nướng tan vào vị khói theo ngọn gió chiều thật quyến rũ, quyện với vị thơm bùi hôi hổi nóng của bắp nướng. Nếu vị nướng mà không có khói, thì làm sao lan tỏa, làm sao thổn thức, làm sao xuýt xoa. Khói như là một thứ gia vị có chút cay, chút nồng, chút thơm, chút ấm. Con sông quê cũng bốc khói lan man ngỡ như mặt sông đang chập chờn thức ngủ. Khói mơ hồ có lúc vô hình nhưng dằng dịt với người, như thở ra cái men, cái nhụy, cái hồn vía của đồng quê thôn dã. Và mấy câu thơ trong bài thơ “Ngọn khói” của nhà thơ Hữu Thỉnh đã đánh thức trong tôi thấm thía cái lan man tâm trạng này: “Sao tôi cứ lan man cùng khói ấy/ Mẹ nhóm lên nghi ngút mé đồi/ Bùn đất, cỏ khô vùn vụt cháy/ Cả mùa đông đến sưởi cùng tôi”.
NGUYỄN NGỌC PHÚ