Truyện ngắn: Đợi mùa hoa cúc trổ bông

09:11, 05/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hào vác cây cuốc, đội nón cời, khoác cái áo mưa tự chế từ bao đựng đường định ra đồng thì con gái đầu của anh đi học về. Đỡ chiếc xe đạp từ bàn tay lạnh giá của con, anh giục con vào nhà tắm nước ấm liền kẻo đau, nói rồi anh quày quả ra đồng. Mấy sào hoa cúc nhà anh đang có nguy cơ mất trắng nếu không kịp tháo nước. Trên đường đi anh cứ nghĩ miên man: Lứa hoa này để đóng học phí cho các con, mua cho con gái đầu cái áo mưa mới, nó đã là học sinh cấp ba mà cứ phải mang áo mưa bao đường đi học hoài, nó không ngại mà anh ngại, mua cho bé út cái áo ấm, nó mặc áo của các chị để lại, tay áo đã rách lòi cả bông ra. À! Còn mua cho vợ đôi bao tay, mùa đông đứng bán hoa ngoài chợ, tay lúc nào cũng lạnh cóng... Cầu trời, cầu trời ngừng mưa. Mưa mãi thế này nước chảy đi đâu cho hết.
 
Suy nghĩ miên man thôi thúc bước chân anh đi nhanh hơn, đứng trước ruộng hoa mới cấy được ba mươi ngày, chỉ thấy toàn là màu bạc trắng của nước, Hào như chết lặng. Anh ngửa mặt lên trời, mặc cho nước mưa trút xuống, rơi vào mắt cay xè, hàm răng anh nghiến ken két như nhai nát lời cay độc từ trong lòng: Ông trời ơi! Những cây hoa hy vọng của tôi, những cây hoa cơm áo, gạo tiền của tôi... Bao nhiêu công sức của tôi...
 
Vất cây cuốc trên bờ, Hào nhào xuống ruộng cố hết sức đắp bờ, móc đất để nước chảy ra khỏi ruộng, mãi đến khi bàn tay bật máu, bị vợ ngăn anh mới chịu dừng lại.
 
Trang đi chợ về, nghe các con bảo chồng ra đồng, không kịp ăn, cũng vớ lấy cái áo mưa vội vã ra theo. Nhìn bàn tay đầy máu của chồng, cô giựt tay chồng ra khỏi đất, xé vội mảnh áo quấn lại cho anh và quát như ra lệnh:
 
- Anh muốn không còn tay à? Còn ít để em làm.
 
Thiệt là khổ mà! Hai vợ chồng anh chăm chỉ làm ăn chứ có phải lười biếng, vậy mà đói khổ cứ mãi đeo bám. Vợ chồng cô hết làm đồng, rồi lúc rảnh cô còn chạy chợ, có lúc nào ngơi tay đâu. Chồng cô cũng học xong cấp ba, đi bộ đội rồi về lại tiếp tục nghề truyền thống của gia đình. Cha chồng cô vẫn hay khuyên khi vợ chồng cô định bỏ ruộng đi làm nhà máy:
 
- Từ xa xưa, ông cha ta đã sống bằng nghề nông, không lẽ các con không thể sống được bằng nghề này?
 
Vậy là vợ chồng cô lại bám đất. Có mấy sào ruộng của cha chồng để lại, hai vợ chồng cô xoay xở hết lúa, đến la ghim rồi trồng hoa, đất có được nghỉ ngơi ngày nào đâu mà vẫn đói.
 
Vợ chồng Hào cố sức đào, đắp để nước chảy ra ngoài, mấy tiếng đồng hồ trôi qua, vài đầu cúc đã nhô lên, rồi đến xế chiều khi cơn mưa không còn dồn dập nữa, nửa ruộng cúc đã vượt lên khỏi mặt nước, có chỗ đã thấy đất. Có vẻ cây cũng có linh hồn, cảm nhận được tình cảm của con người, chúng cũng đang cố sức vươn lên, giành giật sự sống để đền đáp cho người có tâm.
 
Cả mươi ngày nay, trừ lúc ăn cơm, hai vợ chồng Hào đều ở ngoài đồng. Họ xách từng xô nước sạch, rửa bùn cho từng chiếc lá, chăm sóc, nâng niu những cây cúc còn lại. Khi cây bắt đầu phát triển, Hào cười khà khà, bảo vợ:
 
- Cực khổ quá rồi, hôm nay em làm con gà nấu cháo cho các con ăn, tẩm bổ cho cả nhà.
 
- Vâng!
 
Đáp lời chồng, Trang bất giác cười theo. Đã lâu trong căn nhà cô không có tiếng cười. Cha mẹ bận bịu ngoài đồng, nhìn nét mặt cha đăm đăm, nghe tiếng thở dài của mẹ, mấy đứa nhỏ không dám ho he. Lúc nào cũng ngoan ngoãn, đứa lớn chăm cho đứa bé. Thấy chúng đi nhẹ, nói khẽ cô cũng đau lòng. Sinh ra trong cảnh nghèo, chuyện ăn, chuyện mặc không thể bằng bạn bè nhưng chuyện học hành thì các con của cô không bao giờ thua kém. Dù không đi học thêm, nhưng năm học nào chúng cũng làm cô tự hào khi đi họp phụ huynh. Cũng may, nhờ có khen thưởng hằng năm mà cô cũng đỡ tốn kém tiền mua bút, vở cho các con.
 
Ăn tối xong, Hào lôi xuống cây ghi ta đã phủ bụi, sửa phím và hát. Giọng anh khỏe khoắn khi hát nhạc đỏ, dìu dặt khi hát nhạc trữ tình. Đó là giọng hát ngày xưa đã cuốn hút Trang, đã mê hoặc cô từ Đà Lạt theo anh về xứ Quảng nắng gió. Rửa chén bát xong, cô ngồi thừ ngay dưới bếp, nghe từ nhà trên tiếng các con đòi ba nó dạy đàn, dạy hát, Trang lại như gặp lại mình của ngày nào.
 
Ngày ấy, cô hai mươi đang học ở Trường Đại học tổng hợp Đà Lạt, anh là đơn vị kết nghĩa về trường dự kỷ niệm 26/3. Cô cũng là cây văn nghệ của khoa, cùng anh song ca bài “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Lúc đó, cô đã hát say mê như đang có người yêu ở nơi biên cương vậy. Rồi anh và cô hẹn hò. Đà Lạt nơi mọi người yêu nhau đều thành đôi. Cô cũng vậy, mặc việc học dở dang, mặc người nhà can ngăn, cô tin vào đôi tay rắn rỏi của anh, tin vào bờ vai vững chắc của anh, tin vào lời anh nói:
 
- Anh không dám hứa cho em nhà cao, cửa rộng, không dám hứa cho em cuộc sống giàu sang nhưng anh có đôi bàn tay để lao động và bàn tay ấy cũng dùng để ôm em vào lòng khi giá rét, làm gối cho em nằm. Anh còn có bờ vai rộng đủ để cho em tựa vào khi mệt mỏi, cô đơn. Dù đói khổ thế nào, anh cũng nguyện hết lòng làm cho em hạnh phúc.
 
Cô đã vô cùng cảm động và yêu anh ở tấm lòng chân thành ấy. Mới đó mà đã gần hai mươi năm, cô gắn bó với anh, với miền Trung nắng gió, nước da trắng xứ lạnh của cô đã không còn. Bàn tay tiểu thư của cô đã chai sần vì công việc nặng nhọc. Nhưng ngẫm lại, cô thấy mình hạnh phúc và chính anh đã đem lại niềm hạnh phúc đó. Nhiều bạn bè cô đã thành công, giàu có nhưng nhìn tận sâu trong đáy mắt họ cô vẫn thấy thiếu niềm vui.
 
Nửa đêm, giật mình trở giấc, quờ bên không thấy chồng đâu. Cô dụi mắt ngồi dậy, thấy anh đang nhẹ nhàng khép cửa. Lại lén ra đồng bắt sâu đây. Cô mỉm cười, rón rén theo chồng ra bờ ruộng. Cô hù một tiếng, làm anh giật mình. Hào khẽ mắng yêu vợ:
 
- Theo làm gì? Không ngủ tiếp đi, để người ta trai gái tí chứ!
 
Trang cười khẽ, véo tai chồng:
- Dám không?
 
Hào cười theo:
 
- Dám chứ? Sao không dám! Người ta là đấng mày râu mà!
 
- Có mà bồ với mấy con sâu hoa ấy.
 
- Ừ! Anh chỉ có bồ với bọn nó thôi nên đêm nào cũng phải săn lùng cho hết.
 
Hai vợ chồng vừa bắt sâu vừa thì thầm to nhỏ, Hào nói:
 
- Đợi mùa hoa cúc trổ bông, em bán đi nộp học phí, mua đồ cho con xong rồi em mua cho mình vài bộ quần áo mới.
Trang ậm ờ với chồng nhưng trong lòng cô lại có dự tính mới. Nếu hoa cúc nở đúng dịp Tết, bán được giá, cô sẽ sắm sửa cho cả nhà, nhất là sắm cho chồng bộ quần áo mới, anh chẳng còn bộ nào ra hồn. Hôm trước đi đám cưới, cô ngại ngùng khi thấy anh mặc bộ quần áo cũ rích. Tiếng Hào làm cô giật mình:
 
- Em mua lấy một vài cái váy khi có đám tiệc mà mặc với người ta. Ai lại cứ quần tây mặc mãi.
 
- Chê xấu à! Trang giả bộ vùng vằng. 
Hào thật thà:
 
- Không! Anh thương em thôi mà, sợ em thiệt thòi so với chúng bạn.
 
- Kệ họ! 
 
- Ừ! Nhưng anh thương em mà... Hào bỏ dở câu nói, ngẩng đầu lên khi nghe vợ reo:
 
- Có hoa rồi nè anh. Từ nay đến Tết còn hai mươi ngày nữa, kịp vụ rồi đó anh.
 
Hào chạy tới. Thật rồi, vượt qua mưa nắng, mấy sào cúc của anh đang đơm nụ chào đón gió xuân về. Nước mắt anh chảy ra, không gian nhòe trước mắt. Anh như nhìn thấy những bông cúc rực rỡ trước nắng mai,  đẹp đẽ tinh khôi như nụ cười của vợ con anh khi mùa xuân về với bánh tét, thịt heo đủ đầy.
 
THANH HƯƠNG
 

.