Ba Tơ phát huy giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch

11:10, 31/10/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê ở huyện Ba Tơ hết sức phong phú và đa dạng. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo này được xác định là cơ sở để huyện miền núi này phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao mức sống cho người dân.
[links()]
Độc đáo dân ca và nhạc cụ của người Hrê
 
Đồng bào dân tộc Hrê chiếm 84,6% dân số ở huyện Ba Tơ. Trải qua nhiều thăng trầm, người Hrê nơi đây vẫn lưu giữ được nhiều làn điệu dân ca đặc sắc, mang đậm bản sắc riêng. Một trong những người tâm huyết gìn giữ những tinh hoa của dân tộc Hrê là nghệ nhân Phạm Văn Sây, ở xã Ba Thành (Ba Tơ). Bằng tình yêu và lòng say mê với dân ca của dân tộc mình, từ nhỏ, anh Sây đã tự mày mò, học hỏi những làn điệu Ca choi, Ta lêu từ mẹ và bà. Đến năm 15 tuổi, anh trở thành người hát hay, đàn giỏi có tiếng trong vùng.
Làn điệu dân ca Hrê ở huyện Ba Tơ mang nét giá trị văn hóa độc đáo.
Làn điệu dân ca Hrê ở huyện Ba Tơ mang giá trị văn hóa độc đáo.
 
Với ông, làn điệu dân ca của dân tộc Hrê là kho báu văn hóa, món ăn tinh thần không thể thiếu, cần được bảo tồn, gìn giữ. Anh Sây cho biết, đối với người Hrê, vào các dịp lễ, Tết, khi mọi người quây quần bên ché rượu cần không thể thiếu tiếng chiêng cùng các làn điệu dân ca truyền thống.
 
Mới đây, ông Phạm Văn Rôm (51 tuổi), Phạm Văn Nhót (50 tuổi), Phạm Văn Vễ (67 tuổi), cùng ở thôn Phan Vinh, xã Ba Vinh (Ba Tơ) vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Ngày còn nhỏ vì mê chiêng ông Rôm, ông Nhót và ông Vễ thường đi theo các bậc ông, cha để học. Hồn chiêng cứ thế lớn dần theo tuổi tác. Cả ba ông đã trở thành nghệ nhân đánh chiêng hay, là những hạt nhân tiêu biểu của đội cồng chiêng xã Ba Vinh.
 
Người Hrê gọi chiêng là chinh. Tiếng chiêng ăn sâu vào máu thịt của người Hrê, từ khi lọt lòng đến lúc trưởng thành, dựng vợ gả chồng và cả khi qua đời. Chiêng ba đã trở thành một món ăn tinh thần độc đáo trong đời sống hằng ngày của đồng bào Hrê.
 
Nghệ thuật trình diễn chiêng ba ở đồng bào Hrê ở Ba Tơ đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Nghệ thuật trình diễn chiêng ba ở đồng bào Hrê ở Ba Tơ đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Đến nay, trên địa bàn huyện Ba Tơ còn rất nhiều gia đình, thôn bản còn gìn giữ những bộ chiêng ba.
Đến nay, trên địa bàn huyện Ba Tơ còn rất nhiều gia đình, thôn bản còn gìn giữ những bộ chiêng ba.
 
“Chiêng ba có 3 chiếc. Chiếc lớn có tên là chinh Vông. Chiếc nhỏ hơn là chinh Tum. Chiếc nhỏ nhất là chinh Túc. Khi trình diễn, chinh Vông được để nghiêng, chinh Tum để nằm và chinh Túc treo trên dây. Với chiếc Tum, khi đánh cần phải có chiếc khăn quấn trên tay. Có khăn thì âm thanh mới hay, tiếng mới vang. Hai chiếc còn lại đánh bằng nắm tay. Khác với chiêng trên Tây Nguyên đánh bằng dùi, chiêng ba của người Hrê đánh bằng tay”, ông Rôm chia sẻ.
 
Hiện trên địa bàn huyện có 890 hộ gia đình có chiêng, với trên 900 bộ chiêng Ba và 740 người biết sử dụng. Năm 2021, nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của người Hrê ở Ba Tơ được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Các xã trên địa bàn huyện đã tích cực thành lập đội cồng chiêng để phục vụ cho đời sống sinh hoạt, lễ hội ở địa phương và trao truyền lại cho thế hệ trẻ.
 
Phát huy thế mạnh văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng
 
Trong hơi thở sôi động của nhịp sống hiện đại, đâu đó khắp các bản vùng cao, vùng đồng bào Hrê vẫn dễ dàng bắt gặp những nét đẹp văn hóa truyền thống. Ở đó, vai trò của người mẹ, người bà rất quan trọng. Mỗi người phụ nữ, đặc biệt là cụ bà dân tộc Hrê vẫn ngày đêm cần mẫn dệt thổ cẩm để giữ nghề truyền thống của dân tộc mình.
 
Nghệ nhân Phạm Thị Thung (80 tuổi) ở làng Teng, xã Ba Thành bộc bạch, trước đây, người phụ nữ dân tộc Hrê ngay từ lúc còn nhỏ đã được các mẹ, các bà dạy cách thêu, dệt. Cứ thế, dệt thổ cẩm trở thành nét văn hóa truyền thống đặc trưng được duy trì qua nhiều thế hệ. Ngày nay, để gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại, tôi đã truyền dạy cho con cháu thế hệ sau.
 
Nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ).
Nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ).
 
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Hrê ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành được Bộ VH-TT&DL xếp vào danh mục, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là nơi duy nhất của người Hrê ở Quảng Ngãi còn giữ được nghề truyền thống độc đáo này và mang lại giá trị kinh tế cho các hộ gia đình làm nghề dệt. Đồng thời, thể hiện nét văn hóa truyền thống, trí thông minh, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh xảo của người thợ dệt Hrê, được lưu truyền từ lâu đời và bảo tồn, phát triển.

"Thời gian tới, ngành văn hóa tiếp tục tổ chức các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc ở các huyện. Tổ chức các hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Hrê. Bên cạnh đó, ngành chú trọng tham mưu việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản Văn hóa phi vật thể, để kịp thời tôn vinh vai trò của các nghệ nhân trong việc truyền dạy, lưu giữ, phát huy giá trị của văn hóa truyền thống".

Giám đốc Sở VH-TT&DL NGUYỄN TIẾN DŨNG.

Với những nét văn hóa truyền thống độc đáo, huyện Ba Tơ đã có kế hoạch bảo tồn, phát huy để tạo sự bứt phá trong phát triển du lịch cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lữ Đình Tích cho biết, với 2 Di sản văn hóa phi vật thể là nghề dệt thổ cẩm làng Teng và nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê, huyện tiếp tục chỉ đạo cho các cơ quan đơn vị, đặc biệt là các xã tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị này.
 
Đối với các làn điệu Ta lêu, Ca choi của người Hrê, huyện đã liên hệ với Sở VHTT&DL mời các nghệ sĩ có kinh nghiệm để truyền dạy. Riêng về việc bảo tồn di sản chiêng ba, thì hiện nay, các xã cũng đã thành lập một số đội chiêng của địa phương mình để phục vụ trong dịp lễ, Tết của địa phương, tham gia các hội thi trong và ngoài tỉnh. Đó là những việc bảo tồn mà huyện đang tiếp tục gìn giữ, phát huy để lan tỏa các giá trị văn hóa này đến với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ sau này. Đồng thời, vận dụng vào biểu diễn phục vụ du khách để kích cầu du lịch tại địa phương.
 
Bài, ảnh: THIÊN VƯƠNG

.