Tình tự quê hương qua thơ Hoàng Thân

09:10, 30/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Một trong những điều làm nên vẻ đẹp trong thơ Hoàng Thân (tên thật là Trịnh Quang Thân) là sự kết tinh những nét đẹp của quê hương, những con người mộc mạc của làng quê mà anh đã nghiệm ra trong những tháng năm hiện hữu của đời mình. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên từ tập thơ đầu tay "Nguyên màu thời gian" (2016) đến các tập thơ tiếp theo như "Miên khúc" (2018), "Dòng lữ thứ" (2019), "Trầm tích" (2020) đều mang hoài niệm, mà ở đó những nuối tiếc, nhớ thương luôn chất chứa trong tâm hồn thi nhân.  
 
 
Các tác phẩm thơ của Hoàng Thân.                                                                    Ảnh: H.A
Các tác phẩm thơ của Hoàng Thân. Ảnh: H.A
Tình tự quê hương qua hoài niệm trong thơ Hoàng Thân như một dòng sông tâm tưởng trôi trong cảm thức thi nhân, mà điều dễ nhận thấy trước tiên là hình ảnh dòng sông với bao kỷ niệm tuổi thơ: “Có một dòng sông quê/ chảy trong từng nỗi nhớ.../ Xưa một thời tuổi thơ/ Tắm đời ta nước mát/ Dòng sông xanh dào dạt/ Soi bóng lũy tre làng” (Dòng sông quê). Chính những kỷ niệm này đã hình thành nỗi nhớ quê tha thiết, nên dù rong ruổi trên mọi nẻo đường, tác giả vẫn mang theo hình ảnh sông quê: “Sông quê từ đấy hoài mong/ Quan sang giục giã ruổi rong đường đời/ Dòng xưa bến cũ bời bời/ Yêu thương vẫn chảy bên lời hẹn xưa” (Vệ Giang). Tình cảm ấy không bao giờ xưa cũ mà luôn hiện hữu trong tâm thức thi nhân: “Dòng trôi còn đọng bóng dừa/ Sông xưa thương nhớ như vừa đấy thôi” (Sông xưa). Bởi sông quê là ảnh hình quê hương với cảnh vật, con người mà tác giả đã từng gắn bó, yêu thương: “Biết là sông luôn đôi bờ, hai lối/ Buổi sóng nhiều, thuyền phải vội sang ngang... / Chuông Thiên Ấn nao lòng xô sắp ngã/ Chặng đường qua trăng có lạ khuya về/ Bến Tam Thương nước còn mãi vân vê/ Bờ lau cũ giữa bộn bề nỗi nhớ” (Bờ lau cũ). Những hoài niệm về dòng sông còn xuất hiện trong thơ của Hoàng Thân như: “Dòng xưa đò cũ”, “Sông xưa” “Với dòng sông Trà”; “Mưa bên bến sông” (tập "Miên khúc"); “Sông Tương”; “Lòng sông” (tập "Dòng lữ thứ"); “Sông Trà mùa cỏ lau”; “Sông trăng” (tập "Trầm tích"). Dòng sông đã trở thành một tín hiệu thẩm mỹ, tạo nên những mỹ cảm mang tính dự phóng trong sáng tạo thi ca của Hoàng Thân.
 
Tình tự quê hương qua hoài niệm trong thơ Hoàng Thân không chỉ gắn với hình ảnh sông quê mà chính dòng sông là chiếc cầu nối, đưa tác giả trở về với những hoài niệm tuổi thơ. Ta hãy lắng lòng nghe nhà thơ chia sẻ về những hoài niệm tuổi thơ của mình: “Trưa hè kẽo kẹt bờ tre/ Xa xa vọng lại tiếng ve ngân buồn/ Ru lòng về tuổi thơ nguồn/ Lưng trâu đuổi bướm bắt chuồn chuồn bay.../ Tuổi thơ mát những bóng dừa/ Mát từng lóng mía ngọt vừa cho nhau” (Tuổi thơ). Tình tự quê hương qua những hoài niệm trong thơ Hoàng Thân còn gắn với hình ảnh người mẹ, người chị. Đây là những hoài niệm có sức ám ảnh nhất trong thơ Hoàng Thân đã kết tinh thành nỗi nhớ khôn nguôi, vừa cụ thể, lại vừa khái quát: “Mẹ tôi kiệm tiếng thưa lời/ Câu ca dao khẽ ru hời vừa nghe/ Lưng còng lặng lẽ chõng tre/ Chiều đông trông nắng, trưa hè đợi mưa” (Tình mẹ).  Hay như “Sương chiều đọng tiếng chuông ngân/ Bâng khuâng bóng mẹ tảo tần sớm hôm” (Tuổi thơ). Đó là hình ảnh người chị với những câu thơ đầy xúc cảm mà khi đọc lên, ta không khỏi nhói lòng: “Bến chiều/ Rơi một cánh hoa/ Thế là chị đã đi xa/ cuối trời/ Tâm can bỗng chốc rụng rời/ Mây buồn đứng lặng, đất trời xót xa/ Ngày buồn/ Tiễn chị đi xa/ Mắt rươm rướm lệ/ Cả nhà chơ vơ/ Còn đây mấy đứa em thơ/ Lớn rồi vẫn cứ dại khờ/ Chị ơi.../ Buồng cau ôm trái bồi hồi/ Nhớ thương tàu lá, mồ côi bên đời” (Tiễn chị). Nhưng có lẽ, bài thơ kết tinh nỗi nhớ đong đầy tình tự quê hương qua những hoài niệm về mẹ, về chị trong thơ Hoàng Thân làm thổn thức tâm cảm người đọc, đó là bài “Bữa cơm quê”. Những câu thơ lục bát chân mộc nhưng chứa một sức nặng tình cảm vô bờ: “Giản đơn soạn bữa chiều nay/ Hai người, ba chén, mẹ bày mâm cơm/ Đồng ngoài đã cuốn rạ rơm/ Chị ơi về nhé! Thảo thơm cùng người/ Dẫu rằng vắng chị bên đời/ Nơi quê, lòng mẹ vẫn cơi thật đầy/ Chị ơi! Hãy mượn thuyền mây/ Mau về bên mẹ kẻo gầy thân sương/ Còn đây trong cõi vô thường/ Tóc mây bạc trắng vì thương chị à/ Bữa cơm quê thật đậm đà/ Cá đồng, cơm mắm, dưa cà với nhau” (Bữa cơm quê).
 
Một điều không thể không nói đến khi “khám phá” tình tự quê hương qua hoài niệm trong thơ Hoàng Thân, đó là những hoài niệm về tình yêu tuổi học trò đầy mộng mơ trong các tác phẩm “Nắng tháng năm”; “Mưa tháng sáu”; “Phượng vàng”; “Áo trắng trường xưa”; “Khúc tình thơ”... Đó là những câu thơ hay đến nao lòng mà ai đã từng đi qua cái tuổi “ngọc ngà” ấy khó có thể lãng quên: “Chiều vơi/ Vơi cánh hoa vàng/ Gió liêu xiêu cuộn ngỡ ngàng phượng rơi/ Cuối ngày hạ, nắng hanh phơi/ Hư hao mấy sợi tơ trời vàng phai/ Ngập ngừng / Bóng đổ dấu hài/ Hạ đi/ Phượng cũng một mai sắc màu/ Kể từ độ ấy nhớ nhau/ Sầu hun hút bóng lòng đau đáu chờ” (Phượng vàng)...
 
Quê hương trong tâm cảm mỗi người luôn gắn với hình ảnh và con người cụ thể, đó là dòng sông, con đò, cây đa, bến nước, là người mẹ, người chị, người con gái mình trân quý, nhớ thương... Những điều này đã kết tinh nên hệ giá trị của tình tự quê hương, có thể tìm thấy qua những hoài niệm trong thơ Hoàng Thân. Điều này làm nên chất nhân văn trong thơ của thầy thuốc, nhà thơ Hoàng Thân như sứ mệnh mà anh đã chọn lựa trong cuộc đời.
 
TRẦN HOÀI ANH
 
 

.