(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi là địa phương có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó là, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa cần được quan tâm đúng mức, đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành văn hóa, mà còn của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.
[links()]
Nhiều di tích bị lấn chiếm
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Văn Tiến cho hay, trong giai đoạn 2013 - 2018, toàn tỉnh có 93 di tích được sửa chữa, tôn tạo, phục hồi. Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn chế nên quy mô và nguồn lực đầu tư cho hoạt động văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị di tích chưa tương xứng. Nhiều di tích đã xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa được bảo quản, tu bổ, phục hồi. Việc huy động các nguồn lực xã hội hóa cũng chưa đáp ứng yêu cầu.
Người dân thắp hương tưởng niệm tại Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vụ thảm sát Hà Tây, ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). |
Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 253 di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó, có 177 di tích đã được xếp hạng gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt, 32 di tích cấp quốc gia, 144 di tích cấp tỉnh; 76 công trình, địa điểm lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh tiêu biểu thuộc danh mục kiểm kê có quyết định bảo vệ của UBND tỉnh. |
Tập trung bảo tồn, phát huy giá trị di tích
Trước thực trạng trên, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Trên cơ sở đề án này, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung huy động các nguồn lực, thực hiện các giải pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi và nâng cao giá trị di tích để giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ và gắn kết với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Di tích mộ và đền thờ cụ Bùi Tá Hán (TP.Quảng Ngãi) được đầu tư 29,9 tỷ đồng để tôn tạo. |
Tỉnh sẽ đầu tư tôn tạo và chống xuống cấp cho 9 di tích quốc gia và 44 di tích cấp tỉnh cần tôn tạo cấp thiết; bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ khoa học cho 30 di tích đã được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ, đăng ký hoặc xếp hạng. Giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh sẽ hoàn chỉnh hồ sơ khoa học để nâng hạng một số di tích cấp tỉnh lên di tích cấp quốc gia và nâng hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt cho một số di tích cấp quốc gia...
Theo ông Bùi Văn Tiến, công tác tôn tạo và phát huy giá trị di tích sẽ gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch. Ngành VH-TT&DL sẽ phối hợp với các sở, ngành, hội, đoàn thể và địa phương triển khai nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tới cán bộ, đảng viên và cộng đồng xã hội nơi có di sản văn hóa. Cùng với đó là tổ chức tuyên truyền, vận động và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, địa phương trong các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch văn hóa. Ngành sẽ tiến hành điều ra, đánh giá các di tích trọng điểm và một số thắng cảnh có giá trị để định hướng đầu tư, bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch...
Bài, ảnh:
KIM NGÂN