(Baoquangngai.vn)- Có một hình ảnh mà người quê Bình Sơn nói riêng và quê Quảng Ngãi nói chung luôn giữ mãi trong lòng mình là hình ảnh một dòng sông “Nước gương trong soi tóc những hàng tre”. Đó là hình ảnh dòng sông Trà Bồng chảy qua làng quê Tế Hanh bốn mùa nước xanh biêng biếc.
[links()]
Còn một hình ảnh nữa chưa biết xuất xứ từ đâu, nhưng khi đã vào một bài thơ Tế Hanh thì được bạn đọc cả hai miền Nam, Bắc cùng đón nhận. Đó là bài thơ “Vườn xưa”.
Bài thơ này Tế Hanh viết năm 1957 khi ông đang sống và làm việc tại miền Bắc. Có hai từ trong bài thơ định danh nơi xuất xứ của nó, đó là hai từ “công tác”: “Hai ta ở hai đầu công tác/Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa…”. Cùng công tác, vào năm 1957, thì chắc chắn khu “vườn xưa” ấy ở miền Bắc rồi. Nhưng có một câu chuyện rất hay về bài thơ này mà tôi muốn kể lại.
Sông Trà Bồng nhìn từ trên cao. Ảnh: TL |
Đó là, vào năm 1972, khi tôi đang “công tác” ở chiến trường Nam Bộ, tình cờ tôi đọc một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Túy Hồng - một nữ nhà văn Sài Gòn đang rất nổi tiếng. Trong tiểu thuyết ấy, cũng rất tình cờ, tôi gặp lại bài thơ “Vườn xưa” của Tế Hanh. Một nhân vật trong tiểu thuyết của Túy Hồng nói rằng mình rất thích bài thơ “Vườn xưa” của nhà thơ Tế Hanh đang sống ở miền Bắc Việt Nam. Và qua tác giả tiểu thuyết, bài thơ này đã được in nguyên vẹn.
Với hoàn cảnh chiến tranh thời ấy, thì đây là một câu chuyện lạ. Nói “nhân vật” của mình mê bài thơ “Vườn xưa” của Tế Hanh, nhưng tôi nghĩ, chính tác giả Túy Hồng mê bài thơ này thì đúng hơn. Và bà đã mượn nhân vật để đưa nguyên bài thơ này vào tiểu thuyết của mình. Bài thơ của một nhà thơ đang sống ở miền Bắc đã được một nhà văn miền Nam đưa vào tiểu thuyết của mình, và đã được một anh lính “Việt cộng” là tôi, đồng hương với Tế Hanh phát hiện ra khi đọc tiểu thuyết. Tôi rất thú vị vì câu chuyện này, nó nói lên rằng, thơ Tế Hanh đã được bạn đọc ở cả hai miền Nam Bắc đón đọc và yêu thích, bất chấp hoàn cảnh chiến tranh.
Sông Trà Bồng (đoạn chảy qua xã Bình Dương, quê hương của nhà thơ Tế Hanh) trong ngày hè. ẢnhTL |
Và bây giờ, qua rất nhiều tháng năm, sau khi đã viết khá nhiều bài về thơ Tế Hanh, tôi mới chợt nhận ra điều này: Dù sinh thời sống rất khiêm nhường, nhỏ nhẹ, không bao giờ biết “PR” cho thơ mình, nhưng Tế Hanh lại là một trong số rất ít nhà thơ đương đại Việt Nam được người đọc yêu thích nhất. Tôi biết điều đó, vì có một chuyện như thế này:
Vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tế Hanh (1921 - 2021), một tờ báo mạng “có nhiều người đọc nhất Việt Nam” đã nhờ tôi viết một bài về Tế Hanh và thơ của ông. Có lẽ vì họ nghĩ tôi là đồng hương với Tế Hanh, lại quen thân với ông ngày ông còn khỏe, nên mới đặt bài. Bài viết của tôi cũng rất giản dị, nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên khi được biết, số lượng người vào trang mạng đọc bài này là quá đông.
Điều ngạc nhiên nữa với tôi là, những người viết bình luận đều nói là mình đã thuộc thơ Tế Hanh, thuộc cả bài, hay ít nhất cũng thuộc một số đoạn thơ, nhiều người còn viết rằng đã thuộc thơ Tế Hanh từ khi họ còn nhỏ, còn ở tuổi đi học. Những bình luận đều bày tỏ sự yêu thương rất thật lòng với thơ Tế Hanh, điều quả thật không dễ dàng trong thời buổi rất ít người đọc thơ như bây giờ. Đó là điều khiến tôi rất hạnh phúc.
Sự khiêm nhường của một nhà thơ hiền lành như Tế Hanh đã mang lại cho thơ ông tình yêu thương mà nhiều nhà thơ khác thèm muốn. Tôi nghĩ, đó cũng là niềm tự hào của người Quảng Ngãi, khi một nhà thơ đồng hương của mình, một người dù sống ở rất nhiều nơi, nhưng suốt cuộc đời mình không bao giờ mất chất giọng đặc biệt mộc mạc của người Quảng Ngãi.
Và khi tôi mang những câu chuyện giản dị này về thơ Tế Hanh bàn với những người có trách nhiệm của huyện Bình Sơn, của xã Bình Dương quê hương ông, tôi đã nhận được sự đồng tình rất cao từ họ. Ai cũng muốn quê hương mình, địa phương mình phải có “Khu vườn lưu niệm” về nhà thơ Tế Hanh và thơ của ông. Và ý tưởng này chắc chắn sẽ thành hiện thực bởi nó được rất nhiều sự ủng hộ từ nhiều phía. Tôi nghĩ, đó chính là sự đồng thuận về tình yêu thương với thơ Tế Hanh, với con người nhà thơ Tế Hanh.
Khu vườn lưu niệm ấy sẽ mang tên “Vườn xưa”, và nó sẽ hướng ra phía dòng sông Trà Bồng, dòng sông quê hương đã chảy vào bài thơ bất tử của Tế Hanh.
Sông Trà Bồng. Ảnh TL |
VƯỜN XƯA
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trăng mặt trời cách trở
Như sao hôm sao mai không cùng ở
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu
Như tháng Mười hồng tháng Năm nhãn
Em theo chim đi về tháng Tám
Anh theo chim cùng với tháng Ba qua
Một ngày xuân em trở lại nhà
Nghe mẹ nói anh có về anh hái ổi
Em nhìn lên vòm cây gió thổi
Lá như môi thầm thĩ gọi anh về
Lần sau anh trở lại một ngày hè
Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt
Anh nhìn giếng giếng sâu trong vắt
Nước như gương soi lẻ bóng hình anh
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
1957
|
Khi tôi mang ý tưởng này trình bày với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, anh Thiều đã ủng hộ bằng tất cả xúc cảm của mình. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hứa sẽ vận động để đúc một tượng đồng nhà thơ Tế Hanh (theo tỉ lệ 1-1, nghĩa là to bằng người thật) đang ngồi thanh thản trong “Vườn xưa”. Tượng đồng này sẽ là món quà của Hội Nhà văn Việt Nam tặng cho khu vườn lưu niệm Tế Hanh ngay tại quê hương ông.
Và khi tôi đưa ý kiến ủng hộ này của Hội Nhà văn Việt Nam tới bạn bè, anh em ở Quảng Ngãi, thì một sự đồng thuận với tất cả sự chân thành của mọi người đã khiến tôi rất cảm động. Từ anh Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi tới anh Trưởng ban KKT Dung Quất đều hứa hẹn sẽ vận động để ủng hộ cho ý tưởng này nhanh chóng thành hiện thực.
Một người bạn của tôi đang sống ở Sài Gòn nhưng quê Bình Sơn cũng hứa sẽ ủng hộ hai phiến đá khắc hai bài thơ nổi tiếng của Tế Hanh, đó là bài “Vườn xưa” và bài “Nhớ con sông quê hương”. Mỗi người sẽ ủng hộ một phần để tạo nên khu “Vườn xưa” này, nơi sẽ lưu giữ hồn thơ Tế Hanh cho nhiều thế hệ người đọc.
Và khu lưu niệm “Vườn xưa” sẽ chính thức trở thành một điểm du lịch văn hóa cộng đồng khi hoàn thành. Tỉnh Quảng Ngãi cũng vừa có quyết định Khu lưu niệm Tế Hanh là di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi.
Và tôi muốn gửi bài viết này như một lời kêu gọi chân tình tới tất cả bạn đọc yêu thương thơ Tế Hanh: Chúng ta hãy góp mỗi người một cây xanh nhỏ bé để khu vườn lưu niệm này không chỉ là “Vườn xưa”, mà là “Khu vườn xanh” của hôm nay và mai sau. Thơ Tế Hanh sẽ vô cùng hạnh phúc khi được sống cùng cây xanh, cùng dòng sông “Nước xanh trong soi tóc những hàng tre” qua nhiều thế hệ không chỉ người Quảng Ngãi, mà còn là người Việt ở cả hai miền Nam, Bắc. Và những người Việt đang sống ở nước ngoài.
THANH THẢO