Cắm bản

08:11, 20/11/2019
.
*Truyện ngắn của VÕ MINH HUY
 
(Báo Quảng Ngãi)- Mưa rừng rả rích. Lốm đốm những chồi non uốn cong theo hạt mưa tuôn. Con đường đất dẫn đến điểm trường nơi Lan cắm bản trơ ra những cục đá đen sì như muốn cản bước chân người phụ nữ nhỏ bé, xinh xắn.
 
“Có hề hấn gì mấy cục đá này, chả phải mình đã leo lên nó chí ít cũng 3.650 ngày rồi đó sao, rồi cũng an toàn, trơn tru cả thôi, có chi đâu”, Lan tự nhủ lòng, rồi đưa đôi tay yếu mềm cố rồ ga vượt qua những mõm đá dưới cơn mưa rừng nặng hạt đang dội thẳng vào người.
 
Chiếc xe gắn máy cà tàng hiệu Wave Alpha đời đầu cũ kỹ đã theo cô qua bao mùa mưa nắng. Trên xe ngày trở lại lớp dạy của Lan treo đủ thứ đồ. Hai thùng mì gói, 15kg gạo, một hũ mắm, 2 gói muối iốt, 3kg cá nục, 2kg thịt heo. Đó là số lương thực, thực phẩm hằng tuần mà Lan phải đưa từ đồng bằng lên trong nhiều năm nay. Đâu phải để cho mỗi mình cô ăn. Cô mang lên để chăm chút cho tụi học trò. Đồng lương nhà giáo mỗi tháng cô nhận 6 triệu đồng, thì đã dành ra hơn phân nửa để nuôi học trò.
 
Cứ đến cuối tuần, sau giờ dạy là Lan vội vã rời núi về xuôi thăm mẹ già và ra chợ xã mua đồ ăn mang ngược lên núi. Hôm nay, Lan mang thêm 15 chiếc áo ấm mà Lan mới xin được từ một nhóm thiện nguyện quyên góp quần áo cũ giúp trẻ em nghèo. 
 
 
Nhìn cái cảnh cô giáo Lan leo rừng, băng đá, chẳng ai có thể tin nổi, một cô gái yếu mềm như cô lại có thể bám trụ nơi vùng cao suốt chục năm nay. Quãng đường từ nhà Lan đến điểm trường nơi cô công tác chí ít cũng trên trăm cây số. Lan ở tận đồng bằng.
 
Ngày vừa tốt nghiệp đại học, Lan đăng ký làm giáo viên tình nguyện đi cắm bản. Đặt chân lên vùng cao, rồi như cái duyên, cái nghiệp làm cho cô không rời đi được. Cô nghĩ, giờ khó nhọc mà bỏ về xuôi thì không xứng với nghề, tụi nhỏ trên này ai dạy chữ, ai giúp tụi nó viết tiếp ước mơ.
 
Lan không cho phép mình lùi bước. Hơn 10 năm rồi Lan được gắn cho cái danh xưng: Giáo viên cắm bản! “Mình không yêu nghề, không vì tụi nhỏ trên này thì cơn cớ chi phải khổ, cứ ở dưới đồng bằng cũng có việc này, việc kia mà sống chứ có chết đói đâu mà lo”, lòng Lan nghĩ thế.
 
Cũng vì nghĩ cho học trò mà bao lần duyên tình đến cô vẫn bỏ lỡ, nên đến giờ khi đã ở tuổi quá lứa, lỡ thì mà cô vẫn còn độc thân.
*
Hôm nay là chiều chủ nhật. Mỗi tuần, cứ đến thứ 6 khi Lan về xuôi thì học trò của Lan cũng rời trường về thăm nhà. Chiều chủ nhật khi cô trở lại điểm trường thì học trò cũng có mặt đông đủ.
 
Mẹ Lan lên kìa! Tụi học trò nhốn nha nhốn nháo khi thấy Lan từ đầu cổng trường. Đã quen rồi, cứ hết lớp này đến lớp khác, những đứa học trò của Lan tất thẩy không gọi Lan là cô mà gọi mẹ Lan.
 
Các con xếp hàng điểm danh cho mẹ!
 
Tính điểm danh lớp.
 
Thưa mẹ! 14 bạn ạ!
 
Đang loay hoay bưng mớ đồ ăn từ xe vào bếp, Lan khựng người khi nghe con số 14. Vậy là thiếu mất một. Lan dõi mắt dò tìm. Ai vắng? Cái Oanh sao giờ này chưa về trường?
 
Lan quay ngược đầu xe vội đi về hướng nhà Oanh. Buổi cơm chiều cho cô trò vẫn chưa kịp nhóm lửa. Tới nhà Oanh, Lan linh tính có điều gì chẳng lành đang ập đến gia đình học trò mình. Người dân chen đông nghịt. Có người xầm xì: “Tội nghiệp con nhỏ. Hồi sáng mới thấy nó đây mà giờ chết rồi”.
 
Ai chết? Lan hỏi ngược lại đám người đang ngồi bên vệ đường bàn tán. “Cái Oanh con nhà ông Dũng. Nó bị núi lở đè chết khi từ nhà xuống trường chiều nay. Trên tay nó còn nắm chặt quả bí đỏ nó đem xuống trường”. Lan như ngã khụy.  
 
Lan bước vào nhà học trò mình. Nước mắt cô bắt đầu rơi lã chã. Là đứa học trò mình thật rồi, Lan đưa tay bấu chặt vào bụng mình đau nghiến, rồi chạy thẳng vào chiếc giường nơi Oanh đang nằm khóc ngất. “Tại sao lại thế này cơ chứ! Nó là đứa học trò ngoan hiền, học giỏi nhất lớp. Con tỉnh dậy đi, Oanh ơi!”.
 
Ông Dũng – cha Oanh – cùng bà con lối xóm thấy cảnh Lan như vậy cũng khóc theo. Nhiều người tới vịn vai Lan đứng dậy an ủi. Đột nhiên cô giật mình thấy sợ. Cô lo cho 14 em học trò đang ở trường. Điểm trường của cô cũng dựa lưng vào núi. Cô sợ núi lại lở. Cô sợ học trò mình lại bị núi cướp đi. Lan vội vã quay ngược đầu xe chạy về trường lo cho tụi nhỏ khi cơn mưa rừng càng lúc càng nặng hạt.
 
Lan trở về lại điểm trường trong đêm tối, chạy vào đếm, vẫn đủ 14. Cái lạnh làm cho tụi nhỏ tím tái. Lan lấy mớ áo ấm ra vừa mặc cho từng em, vừa khóc báo tin cho cả lớp biết chuyện của Oanh. Dường như các em còn quá nhỏ để cảm nhận hết được nỗi đau. Mà cũng phải, mới lớp 2 thì làm sao các em thấu hiểu hết được.
 
Rồi Lan lủi thủi dắt từng em đi tắm, giặt giũ, thay quần áo, chải tóc. Đã 10 năm rồi, Lan đều xin cha mẹ cho học sinh ở hẳn lại trường để tự tay chăm sóc, lo ăn, lo học. Ở miền núi, những đứa trẻ con em đồng bào dân tộc thiểu số gia đình nghèo lắm, cha mẹ chúng lại ít quan tâm đến chuyện học hành của con. Không có những cô giáo như Lan thì tụi nhỏ coi như bỏ học hết.
 
Bữa ăn tối đêm nay Lan chỉ đủ sức nấu cho tụi nhỏ nồi mì tôm. Lan dặn ngay trong bữa ăn: “Mùa mưa rồi các con phải cẩn thận, coi chừng núi lở. Ở lại cô lo ăn, lo uống, cuối tuần thấy an toàn mới được về thăm nhà nghe rõ chưa”.
 
Tụi nhỏ đồng thanh: Dạ! Lan lại nhớ tới Oanh. Sợi mì chưa kịp nuốt, Lan đã nghẹn ở cổ.
 
Mưa vẫn dai dẳng. Hơn cả tháng trời Lan chưa về nhà. Mẹ già lại đau nặng. Lan quyết định phải về nhà. Trước khi rời núi, Lan đưa từng đứa học trò của mình về tận nhà các em, không dám để các em tự đi một mình vì sợ lở núi. Cả tháng mưa ròng rã đã xuất hiện thêm hàng chục điểm sạt lở.
 
Về nhà được hai ngày thăm mẹ, Lan vội mua lương thực, thực phẩm mang lên trường chuẩn bị cho tuần học mới. Trời vẫn còn đang mưa lớn. Những điểm sạt lở vẫn còn đó. Dòng nước đục trên đỉnh núi dội thẳng xuống đường. Lan vẫn cố vượt qua những cục đá đen sì. 
 
“Trời đang mưa lớn, núi dễ lở lắm, cô giáo ở lại đây sáng mai hẳn lên” – một chủ quán nước nằm dưới chân núi khuyên Lan khi cô dừng chân xin ngụm trà nóng.
 
“Cháu phải lên cô ạ. Cháu lên để còn về làng dẫn tụi nhỏ ra lớp, lo ăn cho chúng, mai còn học. Ở dưới này đến sáng mai cháu không yên tâm. Xin phép cô”, nói rồi Lan trùm vội chiếc áo mưa tốc hành đi thẳng về hướng núi.
 
Ầm. Tiếng nổ chát chúa vọng ra từ trên đỉnh núi. Bà chủ quán nước biết ngay núi lở. Bà giật mình lo cho cô giáo Lan. Hàng trăm mét khối đất đá từ trên đỉnh núi đổ ập xuống đường chắn ngang lối đi.
 
Đường tắc. Cô giáo Lan vẫn chưa về điểm trường. Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày trôi qua, tung tích của Lan vẫn biệt tăm. Học trò buồn bã, ngóng đợi mẹ Lan.
 
Khi hốt dọn đất đá thông đường, người ta chỉ tìm thấy chiếc xe Wave Alpha của Lan cùng với mớ đồ ăn còn dính chặt trên xe. Ai cũng biết tai họa đã ập đến với cô. Học trò tiếc thương. Mãi đến ba tháng sau khi cuộc tìm kiếm thi thể cô Lan dừng lại, người mẹ già mới đặt di ảnh lên bàn thờ trong nỗi đau vô bờ.
 
Nụ cười của Lan trên di ảnh như tỏa nắng, không mất được trong ký ức của những thế hệ học trò từng được Lan cưu mang, dìu dắt và gọi Lan là mẹ. Giờ thì Lan đã cắm bản mãi mãi ở nơi này. Lan cắm cuộc đời mình ý nghĩa và nhẹ nhàng như một cơn gió thoảng..../.
 

.