Nắng vỡ

08:11, 14/11/2019
.
Truyện ngắn của SƠN TRẦN
(Báo Quảng Ngãi)- Khai giảng lớp mới có chín người, thêm tôi là đủ chục. Toàn đàn ông, con trai, chỉ tôi là nữ. Khi tôi đến, căn phòng nhỏ đã chật kín người, cười nói vui vẻ. Một nhóm đứng cạnh cửa sổ bàn tán chuyện gì đó, vẻ bí mật. Tôi e dè bước xuống băng ghế sau cùng nhìn lơ đãng. Góc sân cây bàng mùa này thay lá rụng đầy gốc, đỏ au. Thân cây sần sùi những vết khắc chằng chịt. Có lần thầy bào: “Học trò cũ của thầy đấy!”. Tôi tò mò, chúi mũi vào xem, nhưng không hiểu gì cả. Đó là những chữ cái mờ nhạt, ngả nghiêng. Thầy cười “viết tắt mà”, rồi đọc tên những “học trò cũ” được khắc quanh thân cây. Tôi ngờ nghệch hỏi: “Em khắc tên vào đây được không ạ?” Thầy không trả lời, lấy cặp kính ra lau bụi.
 
Thầy chép bài mới lên bảng. Mọi người lục đục vào chỗ ngồi. Tôi bắt đầu ngọ nguậy. Băng ghế gãy một chân xộc xệch vang lên mấy tiếng khô khốc, dễ vỡ. Thầy nhìn tôi, ánh mắt nhìn lạ lắm. Tôi cúi mặt, hý hoái viết. Người đàn ông bàn trên, nghe đâu sắp xuất cảnh sang Úc, quay xuống: “Sao vậy cô bé?”. Tôi lắc đầu, không ngẩng mặt lên. Tai loáng thoáng nghe “Thầy giảng khó nghe quá!”, “Ừ! Thầy già rồi”. Người đàn ông quay lại hỏi: “Hiểu gì không cô bé?”. “Hiểu!”. Tôi trả lời không suy nghĩ mặc dầu chẳng nghe thầy đã giảng những gì. Người đàn ông nhìn tôi, mỉm cười khó hiểu rồi buông một tiếng thở dài. 
Tôi đến sớm, mong chọn một chỗ ngồi nhìn rõ bảng. Lớp chưa có ai. Thầy ngồi bên chiếc bàn kê ở bậc thềm, trước mặt là cuốn sách mở đến những trang cuối. Thầy dõi mắt ra đường. Đôi mắt mờ đục, u uẩn tưởng chừng đang mong điều gì.  “Hôm nay nghỉ, thầy có việc đột xuất!”. Giọng thầy buồn buồn, khàn đục. “Em ngồi chơi”. Tôi khẽ dạ, ngồi đối diện với thầy, đưa mắt nhìn xung quanh. Phòng bên, qua khung cửa sổ mất song, có ai đó trùm chăn kín đầu nằm bất động trên chiếc giường kê sát vách. Thầy ái ngại “Con trai thầy bị tai nạn đã hai năm nay”. Tôi không khỏi ngạc nhiên: “Con trai thầy?”. Hai năm theo học Anh ngữ ở nhà thầy, tôi chưa hề nghe thầy nhắc đến gia đình. 
 
Trong mắt tôi, thầy chỉ là ông giáo độc thân, sống lặng thầm, cô độc trong con hẻm ngoằn ngoèo tưởng chừng không có điểm cuối. Sau giờ giảng ở trường, thầy về nhà mở lớp dạy thêm và tìm tài liệu dịch thuật. Cuộc sống đạm bạc, tẻ nhạt, vô vị. Ở con hẻm tụ tập nhiều loại người, nhiều thành phần này, thầy là một điểm sáng, chỗ dựa tinh thần cho bà con lối xóm. Ai có chuyện rắc rối, khó xử thường nhờ thầy giải quyết. Ai muốn viết cái đơn cũng nhờ thầy giáo giúp đỡ. Anh xích lô, bà ve chai hay cô hàng xóm đầu hẻm, gặp thầy đều khoanh tay lễ phép...
 
Thầy lắc nhẹ đầu, giọng chùng xuống lạnh lùng: “Con thầy ở ngoài Bắc, mới vô đây hơn nửa tháng”. Tôi mím môi, cố kìm lòng không cho nước mắt đang len lén ở rèm mi chảy ra. Thầy lại nói như với chính mình: “Thầy phải đi mời bác sĩ. Em nhắn dùm các bạn nhé”. Nói xong, thầy vội vã vào nhà trong dắt chiếc xe đạp đã cũ, đạp ra phố.
 
Lớp chỉ còn năm người. Giờ học không lấy gì làm hứng thú, uể oải và tẻ nhạt. Trông thầy gầy rạc đi, tóc cũng đã bạc nhiều sau mấy đêm thức trắng lo chữa bệnh cho con. Giọng nói đã khàn lại khàn hơn, nhỏ tới mức trung bình, có khi không nghe được gì. Mọi người tỏ ra chán nản, rỉ tai nhau. Tôi ngồi bàn đầu, cố gắng nghe và chép những lời thầy giảng. Thầy đến gần, hỏi những câu đại loại: “Em chép được không?”. “Em cần giảng lại điều gì không?”. Bao giờ tôi cũng gật đầu: “Em hiểu rồi ạ!”, dù có những vấn đề tôi chỉ lờ mờ hiểu.
 
Người bên Sở Điện lực bực tức: “Nghỉ quách cho rồi, thầy dạy buồn quá!” “Không có cảm xúc gì cả!”. Người chữa đồng hồ phụ thêm. Sau đó, họ viện cớ xin phép về sớm. Thầy tiễn họ ra khỏi cửa. Hai người học sư phạm nhìn theo lắc đầu. Tôi nhìn họ mong tìm một sự đồng cảm. Một người nói: “Vậy là chỉ còn ba. Cô bé tiếp tục không?”. Tôi không trả lời, nhìn bâng quơ ra ngoài cửa sổ. Trời đang mưa, cái rét theo gió ùa vào lành lạnh. Trên cây bàng trụi lá, con chim có bộ lông đen tuyền ngậm cục mồi trăng trắng. Mỗi trận gió qua, nó run lên, bộ lông xù ra đến tội.
 
Đã hơn hai tháng, tôi không còn học ở nhà thầy. Hai người học sư phạm cũng thế. Thi thoảng gặp nhau trên đường, họ gật đầu cười, kèm theo câu chào cũ rích “Hello”. Tôi lặp lại như thế rồi đi thẳng. Cảm thấy lúc nào họ cũng vội vàng. Họ đi làm gia sư, dạy những gì thầy đã dạy. Thu thập hằng tháng rất cao. Hôm trước, họ lôi tôi vào quán thao thao bất tuyệt về cô bé học trò xinh đẹp, về tiền lương, về cái bằng Anh ngữ vừa có được, nhưng không mảy may nhắc đến thầy. Tôi lơ đi, không hỏi đến. Một người dúi vào tay tôi xấp tiền bảo: “Tiền thầy tôi chưa nộp. Cô bé giúp dùm nhé!”. Tôi ngạc nhiên trước điều không tưởng. Anh ta cười giả lả: “Chắc thầy thông cảm thôi, sinh viên mà!”.
 
Tôi đến nhà thầy. Ngôi nhà vắng chìm trong cô tịch. Cánh cổng bằng gỗ lâu ngày nghiêng đổ ở lối vào. Bờ rào kẽm gai dây leo bám đầy, hoa nở nhợt nhạt. Chiều rót nắng vàng một khoảng sân.
 
Bà cụ hàng xóm tất tả đi vào sân. Tôi rụt rè hỏi. Bà cụ thân thiện, pha chút tiếc rẻ: “Con tìm ông giáo à. Rõ khổ, ông giáo về Bắc rồi”. Nói xong, không để tôi hỏi thêm, bà cụ bước lên thềm mở cửa. Tôi theo sau lòng hụt hẫng. Mảnh sân lớp rêu khác đã lên, xanh rì. Nhìn những chậu kiểng cũng đâm chồi, nở hoa tím đỏ.
 
Bà cụ thầm thì: “Ông giáo vừa lên tàu buổi sáng, thì buổi trưa học trò đến đông nghịt. Toàn là kẻ có chức có quyền cả”. “Những ai vậy bà?”. Tôi nôn nóng. “Học trò cũ chứ còn ai. Con xem cây bàng kia chưa?”. Bà cụ dắt tôi về phía cây bàng chỉ vào những vết khắc nham nhở rồi bà nói một cách say mê, đầy trân trọng. “Năm nào họ cũng về hả bà?”. Tôi hỏi, mắt không rời thân cây. “Ừ, họ quý ông giáo lắm!” Bỗng bà nhìn xa xăm, giọng chùn xuống xúc động: “Tội nghiệp ông giáo họa vô đơn chí. Gần cuối đời còn rước khổ vào thân”.
 
Rồi bà cụ thong thả kể. Câu chuyện như tôi đã từng nghe, nhưng vợ thầy không chết mà đang định cư ở nước ngoài. Đứa con sống với bà nội. Học đến lớp mười thì bị tai nạn, nằm liệt giường. Đồng lương còm cõi của nhà giáo, thầy không sao lo được thuốc men, nó đành mang tật. Bà cụ còn kể. Trước đây thầy phong lưu lắm ra tận nước ngoài học, nhưng thoắt cái, một bước ngoặt đã buộc ông dừng bước, xếp lại ước mơ dang dở trở về quê hương. Cuộc đời trớ trêu, đầy uẩn khúc...
 
“Tất cả mọi thay đổi đều buồn thảm, kể cả những đổi thay chúng ta mong muốn nhất... Phải chết đi ở một quãng đời để có được những quãng đời khác”. Tự dưng tôi nhớ đến một câu của nhà văn Antole France. Bà cụ vẫn đều đều kể, mắt đẫm nước. Gương mặt rúm ró đến tội nghiệp. Những dòng nước mắt viền theo nếp nhăn trên má rồi chảy xuống làm tôi xốn xang. “Bà ơi, thế vợ thầy có hay gửi thư về không ạ?”.  “Gì cơ?” Bà cụ choàng tỉnh, ngơ ngác. Tôi lặp lại câu hỏi. Bà lắc đầu rồi bước vào nhà.
 
Mặt trời tắt sau lưng những ngôi nhà phía tây. Bóng chiều ngả dài, che hết khoảng sân. Những tia nắng vàng trước khi lịm tắt chực bừng lên rực rỡ. Màu nắng không gay gắt cũng không lặng lờ như đánh thức trong tôi những kỷ niệm về thầy. Và chính màu nắng tinh quái đó làm lòng tôi xáo trộn, những cảm xúc khó gọi đích tên...
 
Bà cụ quay sang bảo: “Về thôi con”. Tôi nhìn bà, lòng quặn lên một nỗi niềm khó tả. Tôi vuốt nhẹ thân cây sần sùi những vết khắc. Thoáng ngập ngừng, tôi cầm con dao sắc, nắn nót khắc vào thân chữ cái tên mình. Một dòng nhựa rỉ ra, nhỏ từng giọt, từng giọt xuống đất./.
 
 

.