Bảo tồn không gian văn hóa Sa Huỳnh

08:04, 08/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để được công nhận di sản văn hóa thế giới, ngoài việc bảo tồn các giá trị hiện vật di sản văn hóa, thì công tác bảo tồn không gian sinh tồn của văn hóa Sa Huỳnh cổ cũng có một vị trí khá quan trọng.

TIN LIÊN QUAN

Để làm được điều này, ngành văn hóa cần sớm tham mưu cho tỉnh quy hoạch tổng thể, xây dựng đề án bảo tồn không gian sinh tồn của văn hóa Sa Huỳnh, trong đó lấy đầm An Khê làm trung tâm cho quần thể di tích thì mới hy vọng bảo tồn nguyên vẹn.

Dấu tích từ đầm An Khê

Các nhà khảo cổ học nhận định, không gian, môi trường sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ là bao gồm cả hệ thống các gò đồi, cồn cát ven sông, biển, đầm An Khê, các khu rừng xung quanh đầm, cánh đồng muối, cửa biển Sa Huỳnh thuộc hai xã Phổ Thạnh, Phổ Khánh (Đức Phổ). Trong không gian này chứa khá nhiều tài nguyên quan trọng để người Sa Huỳnh cổ khai thác, phục vụ cuộc sống.

Các nhà khảo cổ học tìm thấy các di chỉ, di vật văn hóa Sa Huỳnh quanh đầm An Khê.          Ảnh: Trần Cao Duyên
Các nhà khảo cổ học tìm thấy các di chỉ, di vật văn hóa Sa Huỳnh quanh đầm An Khê. Ảnh: Trần Cao Duyên


Các nhà khảo cổ cũng khẳng định, đầm An Khê là trung tâm của không gian văn hóa Sa Huỳnh. Bởi nơi đây là vùng trũng nằm dưới các chân núi bao quanh, nên từ hàng trăm năm trước là túi chứa nước của hơn 56.000ha đất tự nhiên. Đầm An Khê tuy nằm sát biển, nhưng lại có nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm. Đây là cơ sở để cư dân Sa Huỳnh cổ quần tụ lấy nước ngọt, để sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Các nghề khai thác, đánh bắt hải sản cũng phát triển từ đó, để phục vụ cuộc sống người dân. Trong lịch sử, đầm An Khê cũng là nơi cung cấp nước ngọt cho tàu bè cập bến giao thương trong khu vực. Đây là nguồn gốc phát sinh, phát triển và lan tỏa của văn hóa Sa Huỳnh.

Qua những cuộc điều tra, khai quật các di tích, các nhà khảo cổ học khẳng định đã tìm thấy nhiều hiện vật có giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt thuộc sơ kỳ đồng thau, phát triển trực tiếp lên Sa Huỳnh sơ kỳ sắt xung quanh các khu vực đầm An Khê thuộc Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức, Sa Huỳnh... Tại cụm di tích Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ học đã phát hiện di chỉ cư trú trong văn hóa Sa Huỳnh. Còn ở di chỉ Long Thạnh, Gò Ma Vương các nhà khảo cổ phát hiện một linga bằng gốm. Tại điểm Phú Khương, cũng tìm thấy hàng trăm mộ chum chôn với mật độ khá dày trên cồn cát và các di vật bằng đồng thanh, bằng sắt (chủ yếu là công cụ sản xuất và vũ khí). Nguồn gốc văn hóa này mang tính bản địa, hình thành, phát sinh và lan tỏa chia thành nhiều nhánh, có mối quan hệ giao lưu với các trung tâm văn hóa khác như văn hóa Đông Sơn (Bắc Bộ), Óc Eo (Nam Bộ); có mối quan hệ mật thiết với các văn hóa khác ở khu vực Đông Nam Á.

Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh Phạm Kim Oanh chia sẻ: Hiện quanh đầm An Khê còn tồn tại các công trình của người Sa Huỳnh cổ, như cầu đá ở đầm An Khê, đình làng Chăm và phía tây của đầm có một làng gốm cổ hơn 300 năm hiện đang tồn tại. Như vậy, đầm An Khê là mắc xích khá quan trọng trong quần thể các điểm di tích văn hóa Sa Huỳnh.
 

“Việc bảo tồn không phải nằm ở tầm vĩ mô, ở các cấp lãnh đạo mà cần phải thông tin, tuyên truyền đến tận người dân để hiểu giá trị của các di sản và không gian văn hóa Sa Huỳnh”.
Tiến sĩ PHẠM THỊ NINH

Cần bảo tồn nguyên vẹn

Tiến sĩ Vũ Thế Long – chuyên gia môi trường cho rằng, giữa một bên đồi núi, bên biển lại có một đầm nước ngọt rộng lớn hàng trăm hecta như đầm An Khê thì thật quá tuyệt! Dòng nước ngọt trong đầm vẫn còn trong vắt, tích trữ quanh năm. Cư dân sinh sống quanh vùng rất hiền hòa, dùng phương tiện thô sơ để sản xuất, đánh bắt hải sản... Từ không gian, tài nguyên đến cảnh quan, môi trường còn khá nguyên vẹn.

Phía ngoài đầm là bãi cát mịn chạy dài bên chân sóng. Bên trong là những hàng dương xanh che chắn những làng chài... Thêm vào đó là cánh đồng muối, với những đụn muối trắng phau, những ô ruộng vuông vức, phẳng lỳ, xa xa là những đàn cò chao lượn trên không, chấp chới dưới đồng tạo nên một bức tranh làng quê thật yên bình. “Với giá trị văn hóa và cả không gian thế này nhưng chưa được khai thác tiềm năng vốn có để phục vụ du khách tạo nguồn sinh kế cho dân trong vùng thì thật lãng phí. Các nhà khảo cổ đã phát hiện từ năm 1909, nhưng đến nay giá trị môi trường, văn hóa, lịch sử vẫn còn nguyên vẹn. Nó như hộp trang sức quý cần khai thác sử dụng, nhưng phải hết sức thận trọng”, tiến sĩ Vũ Thế Long chia sẻ.

Còn tiến sĩ Phạm Thị Ninh- nguyên cán bộ Viện khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thì cho rằng, giá trị văn hóa Sa Huỳnh không chỉ có nguồn gốc tại chỗ, mà nó đã phát sinh lan tỏa, chứng minh nơi đây trở thành trung tâm phát triển văn hóa có nền văn minh lâu đời. Để cho cả nước biết đến một nền văn hóa rực rỡ này, cần tuyên truyền rộng rãi để bảo tồn. Các chuyên gia khảo cổ khuyến cáo, muốn bảo tồn, trước hết các cấp, ngành chức năng và cả nhà khoa học phải ngồi lại bàn bạc, tính toán làm thế nào để thực  hiện bảo tồn và phát huy từng bước các giá trị của di sản, tránh phá vỡ không gian văn hóa vốn có như ở Lý Sơn. Cần rút kinh nghiệm xem việc khai thác giá trị văn hóa ở Lý Sơn như là một bài học thực tiễn, để tiến hành bảo tồn giá trị văn hóa và không gian văn hóa Sa Huỳnh.   
 

MAI HẠ  


 


.