Độc đáo văn hóa Sa Huỳnh

09:11, 03/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi nổi tiếng với nền văn hóa Sa Huỳnh, nền văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Nhiều di vật nằm sâu dưới lòng đất hàng nghìn năm đã được khai quật và có nhiều bí ẩn được hé lộ.  

TIN LIÊN QUAN

Thị trấn Sa Huỳnh.                                                                                                                                                                    Ảnh: TL
Thị trấn Sa Huỳnh. Ảnh: TL


Bảo tàng tổng hợp tỉnh hiện đang lưu giữ và trưng bày trên 200 hiện vật liên quan đến nền văn hóa Sa Huỳnh. Theo các chuyên gia khảo cổ học, các di vật này tồn tại cách đây khoảng từ 2.500-3.000 năm. Mặc dù là người Quảng Ngãi nhưng tin chắc rằng nhiều người vẫn chưa có dịp “mục sở thị” các di vật độc đáo của nền văn hóa Sa Huỳnh.

Từ trong cồn cát…

Năm 1909, một nhà khảo cổ học người Pháp tên là M.Vinet đã phát hiện ra một khu nghĩa địa tại cồn cát gần đầm An Khê, xã Phổ Khánh (Đức Phổ). Có khoảng 200 quan tài bằng chum được phát hiện tại đây. Nhà nghiên cứu đã lấy tên của địa danh nơi phát hiện khu nghĩa địa làm tên gọi cho nền văn hóa đặc sắc và độc đáo của Việt Nam, văn  hóa Sa Huỳnh. Nền văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba cái nôi cổ xưa của nền văn minh trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo.

Mộ vò bằng gốm được khai quật ở suối Chình (Lý Sơn) năm 2000.
Mộ vò bằng gốm được khai quật ở suối Chình (Lý Sơn) năm 2000.


Sau phát hiện của nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet, nhiều địa điểm là khu mộ của người cổ xưa thời văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi được tìm thấy và khai quật. Không chỉ ở những địa phương ven biển mà ngay cả ở khu vực miền núi các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện dấu tích của nền văn hóa Sa Huỳnh. Đơn cử như năm 2012, các nhà khảo cổ học đã khai quật di vật thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở hồ chứa nước Nước Trong (Sơn Hà). Hiện Bảo tàng tổng hợp tỉnh đang tiến hành các bước xử lý để trưng bày, giới thiệu đến các tầng lớp nhân dân.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều di chỉ văn hóa Sa Huỳnh thuộc thời đại đồng thau và đồ sắt như di tích Long Thạnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ); Bình Châu 1, Bình Châu 2 (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn); Phú Khương (xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ); Gò Quê (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn); Xóm Ốc, Suối Chình (huyện Lý Sơn)…

Đến những bí ẩn trong ngôi mộ cổ

Nhiều người không khỏi thắc mắc khi lần đầu chứng kiến di cốt song táng được trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh. Đây là bộ hài cốt được khai quật năm 1997 trong một ngôi mộ thuộc di tích Xóm Ốc (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn), do Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi phát hiện năm 1996. Bộ di cốt này có niên đại cách ngày nay 2.000-2.500 năm. Có người bảo đây là phần hài cốt của hai vợ chồng, người thì bảo của hai cha con…

Di cốt song táng có niên đại cách nay từ 2.000-2.500 năm.
Di cốt song táng có niên đại cách nay từ 2.000-2.500 năm.


Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu khảo cổ học thì đây là hài cốt của một người đàn ông tuổi khoảng 55-60 và một người phụ nữ tuổi khoảng 25-30. Người phụ nữ chôn theo tư thế bó gối, đây là tư thế táng người phụ nữ theo tục người Đông Nam Á xưa. Trên tay của người phụ nữ có một mũi tên bằng đồng và ngón tay trỏ vẫn còn chiếc nhẫn làm bằng vỏ ốc. Môi trường sống của cư dân văn hóa Sa Huỳnh ở Xóm Ốc là biển đảo, do vậy ngay cả trang sức của họ cũng được làm từ sản vật của biển. Tuy nhiên, về cái chết của hai con người này vẫn chưa thể lý giải. Trong ngôi mộ có nhiều xác con ốc. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rất có thể vỏ ốc là đồ tùy tán, hoặc cũng có thể trong quá trình chôn sâu dưới lòng đất, ốc đã thâm nhập vào và chết trong đấy.

Văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện với nhiều khu mộ cổ. Tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh hiện trưng bày nhiều mộ vò. Các nhà khảo cổ học phải mất hàng tháng trời để lắp ghép hàng trăm mảnh vỡ của những ngôi mộ vò của cư dân Sa Huỳnh sau khi tìm thấy và khai quật thành những chiếc mộ hoàn chỉnh như ngày nay. Năm 2000, khi khai quật ở Suối Chình (xã An Hải, huyện Lý Sơn), các nhà khảo cổ đã phát hiện mộ vò nhỏ làm bằng gốm, niên đại 2.000 năm cách ngày nay. Trên mộ vò có hai lỗ tròn.

Theo quan niệm, đây là cửa để linh hồn người chết đi ra, đi vào. Còn tại khu mộ được tìm thấy ở di chỉ Gò Quê năm 2005, người ta đã phát hiện răng của người chết. Giả thuyết được đặt ra là rất có thể cư dân Sa Huỳnh giai đoạn này áp dụng phương pháp hỏa táng. Cũng tại Gò Quê, các nhà khảo cổ đã phát hiện cả khuyên tai 3 mấu thủy tinh, khuyên tai 4 mấu và chuỗi hạt trang sức bằng đá rất tinh xảo, phát hiện tấm che bằng đồng, giáo đồng, bộ khuy áo bằng đồng... Giai đoạn này là giai đoạn Sa Huỳnh muộn nên đã có đồng và sắt. Các nhà khoa học đưa ra kết luận đây là mộ nhà giàu hoặc mộ của người thủ lĩnh, bởi thường chỉ thủ lĩnh mới có tấm che bằng đồng trước ngực.

Còn có rất nhiều di vật của cư dân văn hóa Sa Huỳnh được khai quật và đi cùng với mỗi một di vật là nét văn hóa, đời sống phong phú, đặc sắc của người xưa. Chị Mã Thị Nhung-Trưởng Phòng trưng bày (Bảo tàng Tổng hợp tỉnh), tâm sự: “Văn hóa Sa Huỳnh là niềm tự hào của Quảng Ngãi. Trong thời gian tới, Bảo tàng sẽ đổi mới cách trưng bày, tăng cường giới thiệu đến các tầng lớp nhân dân các hiện vật, giá trị văn hóa-lịch sử của nền văn hóa Sa Huỳnh”.  


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ  
 

 


.