(Báo Quảng Ngãi)- Tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu ngành giáo dục phải phát huy và dẫn dắt đổi mới sáng tạo.
[links()]
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, chất lượng giáo dục phổ thông đại trà tiếp tục được cải thiện theo hướng nâng cao chất lượng, giảm áp lực thành tích. Trong bảng xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021 (được công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020.
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh cho học sinh trung học do Sở GD&ĐT tổ chức hằng năm sẽ góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong học sinh. Ảnh: PV |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, với tư tưởng, quan điểm xuyên suốt là học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập từ bậc mầm non đến đại học, nghiên cứu chuyên sâu… Đảng, Nhà nước, người dân và xã hội đã gửi gắm sứ mệnh đó cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, việc triển khai thời gian qua đã bộc lộ những vấn đề cần được nhận diện về tư duy, phương pháp, để từ đó tiếp tục đổi mới hoạt động giáo dục, đào tạo theo kịp xu thế thời đại gắn kết với dự báo nhu cầu xã hội, thị trường lao động... Giáo dục phổ thông tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thừa, thiếu giáo viên; thiếu trường, lớp bậc mầm non, giáo dục phổ thông ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa; thiếu quỹ đất cho xây dựng trường học, nhất là ở các thành phố lớn và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Đối với giáo dục đại học, dù có những bước chuyển mạnh mẽ cả về chất và lượng, nhưng vẫn phát triển không đồng đều. Tỷ lệ sinh viên/vạn dân, quy mô đào tạo sau đại học thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới...
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, Bộ GD&ĐT cần tổng kết, xác định những vướng mắc, tồn tại cần tháo gỡ liên quan đến chất lượng đội ngũ giáo viên, chi ngân sách cho giáo dục, chính sách đối với cơ sở giáo dục công lập và tư nhân, phát huy hiệu quả các nguồn lực hiện có, bảo đảm tính liên thông trong hệ thống giáo dục; sự ổn định, công khai, minh bạch, chống độc quyền trong thực hiện "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa". Bộ GD&ĐT cần nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách của giáo dục đại học nhằm khơi thông được các nguồn lực. Làm tốt hơn nữa công tác kiểm định chất lượng đào tạo, xây dựng các tiêu chí đánh giá cụ thể theo xu hướng quốc tế. Dự báo chính xác nhu cầu nhân lực, từ đó đưa ra định hướng đào tạo phù hợp cho các cơ sở giáo dục đại học, người học...
KHÁNH HỒNG