Phát huy thế mạnh của học sinh

09:02, 14/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình Giáo dục phổ thông mới là giúp học sinh (HS) phát triển phẩm chất, năng lực và khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Để làm được điều đó, các em cần biết phát huy sở trường, năng lực của chính mình.
 
Em Nguyễn Cao Hiếu Lam, lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Mộ Đức) chia sẻ, các hoạt động ngoại khóa đem lại nhiều lợi ích, trang bị những kỹ năng cần thiết cho một công dân toàn cầu. Vì vậy, em tích cực tham gia các hoạt động này để bản thân ngày càng tự tin, năng động hơn. “Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, em tham gia hoạt động ngoại khóa bằng hình thức trực tuyến. Qua đó, em thấy mình có thể tiếp cận nhanh với lĩnh vực tin học. Em không chỉ có thêm kỹ năng mềm mà còn thu nhận được những kiến thức chuyên môn thông qua hoạt động ngoại khóa”, Lam bộc bạch. 
 
Thành viên Câu lạc bộ thiện nguyện Ước mơ xanh tham gia các hoạt động hỗ trợ người khó khăn.
Thành viên Câu lạc bộ thiện nguyện Ước mơ xanh tham gia các hoạt động hỗ trợ người khó khăn.
Thời gian qua, Lam tích cực tham gia Câu lạc bộ thiện nguyện Ước mơ xanh. Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động để lan tỏa những hành động đẹp đến cộng đồng như nấu cháo phát cho bệnh nhân nghèo, bán nước gây quỹ giúp đỡ người nghèo, tổ chức hội trăng rằm cho trẻ em... Qua các hoạt động giúp thành viên câu lạc bộ gặp gỡ, giao lưu với nhau, trau dồi thêm các kỹ năng mềm. 
 
Còn em Võ Thị Như Quỳnh, lớp 9B, Trường THCS Bình Hiệp (Bình Sơn) cho rằng, HS cần được thầy, cô giáo quan tâm tạo điều kiện để phát huy năng lực, sở trường. Trong lớp em có một bạn rất ít nói. Song, cô giáo đã nhìn thấy năng khiếu của bạn ấy thông qua tác phẩm mỹ thuật mà bạn thể hiện. Cô đã chọn bạn tham gia các cuộc thi vẽ tranh, giúp bạn thêm tự tin vào bản thân và cởi mở với thầy cô, bạn bè hơn. 
 
Trưởng phòng Chính trị tư tưởng và Giáo dục chuyên nghiệp - Thường xuyên (Sở GD&ĐT) Trần Thị Kim Nhạn cho biết, việc thầy, cô giáo và phụ huynh giúp các em nhận biết được mình là ai và có những khả năng, tố chất gì... rất quan trọng. Mục đích của khám phá bản thân là giúp các em hiểu rõ về mình, từ đó có những định hướng phù hợp cho tương lai. Chương trình Giáo dục phổ thông mới tổ chức các hoạt động trải nghiệm xuyên suốt từ lớp 1. Ở cấp tiểu học, nội dung trải nghiệm tập trung vào khám phá, rèn luyện bản thân, phát triển quan hệ với bạn bè, thầy, cô và người thân trong gia đình... 
 
Các em biết điểm mạnh của mình để phát huy và điểm yếu để khắc phục, từ đó dần hoàn thiện bản thân và có những định hướng phù hợp. Vì vậy, HS phải thường xuyên tham gia các hoạt động trải nghiệm; còn giáo viên cần tập trung quan sát để giúp HS khám phá bản thân. “Chúng ta phải thừa nhận rằng, dù mình có giỏi môn học đó như thế nào nhưng nếu không được trải nghiệm thì bản thân sẽ không phát hiện được sở trường. Có kiến thức chưa đủ mà phải biến thành tri thức của bản thân. Qua đó, các em hiểu được lĩnh vực nổi trội của mình...”, bà Nhạn nhấn mạnh.
 
Để tạo điều kiện cho HS trải nghiệm, các trường cần tạo môi trường để các em thể hiện. Đơn cử như thành lập các câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động trong giờ chào cờ, hành trình trải nghiệm cuộc sống... Ngoài ra, HS có thể tham gia tổ chức Đoàn, Hội, Đội ở địa phương, hay các lớp rèn luyện kỹ năng... nhằm giúp các em hiểu được mong muốn của bản thân, từ đó có sự định hướng, phát triển phù hợp. 
 
Bài, ảnh: HUY KHANG
 
 
 

.