(Baoquangngai.vn)- Dù còn nhiều khó khăn, thời gian qua, giáo dục vùng cao đã đạt một số thành quả rất đáng trân trọng, trong đó có đóng góp đáng kể của đội ngũ giáo viên người đồng bào dân tộc thiểu số. Họ thật sự là những bông hoa đẹp của ngành giáo dục vùng cao, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học mà còn nâng cao trình độ nhận thức của đồng bào miền núi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hơn cả niềm tự hào
Mùa này ở miền núi, những cơn mưa nặng hạt như trút nước. Vượt qua những cung đường quanh co, thấp thỏm qua các điểm sạt lở do đợt mưa lũ vừa rồi, cô giáo Đinh Thị Thuột, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuk Pan, xã Sơn Bua (Sơn Tây) mau chóng đến trường với các em nhỏ. Các lớp học mầm non cũng đầy đủ số trẻ theo học.
“Ở vùng cao còn nhiều khó khăn lắm. Mình trở thành giáo viên giảng dạy trên chính quê hương, không chỉ là công việc mà còn là điều tự hào lắm. Đó là động lực để mình luôn cố gắng hơn trong công tác”, cô Thuột chia sẻ. Công tác tại một trong những điểm trường xa xôi nhất nhì của huyện, cách nhà hàng chục cây số, nhiệt huyết của cô Thuột vẫn luôn vun đắp hằng ngày vì những đàn em thân yêu ở vùng cao.
Không ngừng nỗ lực, cống hiến, đội ngũ giáo viên người đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đóng góp cho giáo dục vùng cao. |
Cô Thuột là người Hrê, sinh ra ở xã Sơn Giang (Sơn Hà) nhưng gắn bó với huyện Sơn Tây từ khi còn nhỏ. Sau khi ra trường, cô Thuột được nhận công tác về Trường mầm non xã Sơn Mùa. Khi đó, con đường dẫn về trường đầy bùn đất, chưa có xe máy, cô Thuột phải đi bộ. Mỗi năm, các cô giáo dạy mầm non phải luân phiên dạy tại các điểm lẻ khác nhau trong xã. Ngày nào, cô giáo cũng phải đi vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường.
Từ điểm trường chính đến điểm lẻ đi bộ ngót nửa tiếng đồng hồ. Có năm, cô Thuột đảm nhận dạy ở điểm trường tập đoàn 8, thôn Tu La, xã Sơn Mùa phải dạy nhờ ở nhà dân. Dạy học nhờ ở nhà dân vừa khó khăn cho trẻ vì không thể trang trí, bài trí lớp học, việc học của các cháu không được thoải mái. Cô Thuột đã vận động người dân cùng nhau góp công làm điểm dạy học cho các cháu. Người dân rất nhiệt tình, người chặt cây, người làm mái lợp, hoàn thành phòng học. Dù chỉ là điểm dạy tạm nhưng sử dụng đến một năm học. Sau này các cháu ở điểm trường thôn Tu La đã có nơi học kiên cố hơn.
Không ngừng nỗ lực cống hiến
Sinh ra trong gia đình Ca Dong có 7 anh chị em, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng từ nhỏ cô giáo Đinh Thị Uông đã hun đúc ước mơ trở thành giáo viên tại quê hương mình. Hiện tại, cô Uông đang công tác tại Trường Mầm non Hoa Pơ niêng, thôn Huy Ra Lung, xã Sơn Mùa. Đến nay, cô Uông đã có 12 năm gắn bó với công việc yêu thích của mình. Nhắc về cô Uông, đồng nghiệp chia sẻ: “Cô Uông luôn cố gắng học hỏi, nỗ lực tìm tòi, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ của mình. Cô Uông còn viết chữ rất đẹp”.
Cô Uông tâm sự: “Tôi rất vui và cảm động khi được giảng dạy chính con em đồng bào Ca Dong. Ở miền núi, việc giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn vì những bất đồng trong ngôn ngữ của trẻ. Vì thế, tôi luôn tâm niệm tích cực trau dồi kiến thức, chịu khó nghiên cứu tìm tòi học hỏi để đưa ra phương pháp giảng dạy tốt hơn giúp trẻ nắm bắt kiến thức”.
Nhiều năm trước, vùng cao còn chưa phổ biến điện thoại, máy tính và internet; phương tiện đi lại còn nhiều khó khăn nên các cô giáo không có nhiều điều kiện để liên lạc, tìm hiểu thêm. Nhưng từ sự nỗ lực, ngày càng nhiều cô giáo vùng cao đã đạt các thành tích cao cấp tỉnh, cấp huyện. “Tham gia các hội thi đồ dùng dạy học, giáo viên dạy giỏi, mình đều tự tay làm, suy nghĩ xuất phát từ chính thực tế của địa phương và nhu cầu học của trẻ”, cô Thuột bộc bạch.
Trong quá trình công tác, cô giáo trẻ Đinh Thị Thuột đã đạt nhiều thành tích như giải nhì Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh cấp học mầm non, giải ba cấp tỉnh giáo viên tự làm đồ dùng dạy học, đồ chơi... Không chỉ nỗ lực trong giảng dạy, cô Thuột, cô Uông còn tham gia nhiệt tình, sôi nổi vào các phong trào, hoạt động của nhà trường. Nhiều năm liền, cô Thuột, cô Uông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhà trường và các cấp ngành ghi nhận.
Những năm gần đây, nhiều em nhỏ ở vùng cao đã biết đến ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, nhiều em còn hái hoa rừng tặng cô giáo. Những điều đơn sơ, giản dị ấy đã mang lại niềm vui tinh thần ý nghĩa cho những người "gõ đầu trẻ" ở miền núi. Nhưng món quà lớn lao hơn hết là từ sự nỗ lực cống hiến của những người như cô Thuột, cô Uông, trẻ em vùng cao đến trường chuyên cần hơn và trình độ nhận thức của người dân ngày càng nâng cao.
Bài, ảnh: BẢO HÒA