TRẦN ĐĂNG
(Baoquangngai.vn)- Chuyện xảy ra từ 14 năm trước, lúc tôi lên công tác tại xã Trà Thủy huyện vùng cao Trà Bồng. Tôi chép lại theo trí nhớ của mình nhân ngày vui của các thầy cô giáo. Cậu bé Dé ngày nào, hẳn bây giờ đã có một tổ ấm riêng. Cô giáo Nhung cũng đã chuyển qua một ngôi trường khác. Bao đổi thay đã xảy ra ở xã vùng cao này, song gói cơm tình nghĩa mà các cô giáo dành cho cậu học trò nghèo ngày ấy thì vẫn là hành trang không thể thiếu mỗi khi nhắc lại một quãng đời cơ cực đã qua.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trước mặt tôi là cậu bé người dân tộc Cor, da đen nhẻm. Người em gầy gò và xơ xác như cây quế vừa bị người ta bóc vỏ, chỉ có đôi mắt là còn chút tinh lực của người khỏe mạnh, toát lên vẻ thông minh trời cho. “Cháu tên là Hồ Văn Dé, ở tận đỉnh núi kia kìa”. Nhìn theo cánh tay Dé chỉ, đỉnh núi Cà Đú nhòa trong sương sớm.
Cô giáo Nhung tiếp lời đứa học trò: “Hoàn cảnh gia đình của Dé tội lắm anh à”. Nghe cô giáo nhắc đến gia cảnh, Dé đã rưng rưng. Giọng cô Nhung nghèn nghẹn : “Nhà Dé có 4 anh em, mẹ mất cách đây hai năm, bố bị bệnh tâm thần, suốt ngày đánh đập con cái. Lúc lên cơn điên, ông hành hạ các con như hổ vờn mồi; khi tỉnh, ông lại ôm con ngồi khóc. Dé là cậu bé sáng dạ, học rất khá, đã qua tiểu học nhưng ở Cà Đú không có trường cấp 2, mà Dé thì muốn được tiếp tục đi học.
Mẹ chết kéo theo những ngày đứt bữa triền miên cho gia đình em. Cái mơ ước nhỏ nhoi kia của Dé tưởng như gác lại vì muốn theo học lớp 6, em phải đi bộ hơn nửa buổi đường. Đi bộ thì không khó với Dé nhưng về trường xã, Dé sẽ không có thời gian để đi nương, đi rẫy kiếm gạo nuôi em. Ngay cả bản thân em cũng không có nổi lưng bát cơm mỗi sáng để đến trường.
Đối với Dé lúc này, hạt gạo là hạt ngọc. Mấy chị em giáo viên bàn cách giúp Dé, động viên em đến trường. Trong lúc giảng bài môn văn, tôi thường kể cho các em nghe về những bà Tiên hay giúp đỡ người nghèo.
Bà Tiên là người luôn chắp cánh cho các cậu học trò có ước mơ, hoài bão. Những lúc như thế, đôi mắt Dé lại sáng lên. Sau giờ học, tôi bàn với em lớp trưởng là phải tìm cách nói sao để Dé biết rằng, trên quãng đường rừng mà em thường đi qua ấy, cứ mỗi buổi trưa sẽ có một bà Tiên giúp Dé bằng những gói cơm, đặt trên cành của một cây quế lớn nhất khu rừng. Những gói “cơm Tiên” xuất hiện từ đó và đã theo Dé mỗi buổi trưa trên đường về nhà”.
Cô Nhung lại lau nước mắt: “Nhưng mọi chuyện đã vỡ lở rồi anh à. Mấy chị em chúng tôi không biết tính sao đây nữa”. Thì ra, một hôm nhà Dé có việc, em phải về sớm. Ngang qua khu rừng ấy, Dé hết sức ngỡ ngàng khi thấy “bà Tiên” mà em từng nghe cô giáo giảng trên lớp chính là cô giáo của mình, đang đặt gói “cơm Tiên” trên cành cây quế!
Đó là gói “cơm Tiên” duy nhất cho đến lúc ấy, Dé chối từ. Hôm sau đến lớp, cô giáo gặng hỏi mãi, Dé mới rụt rè: “Từ khi về trường xã đến nay, em thấy các cô thường ăn thêm củ mì. Thì ra các cô đã nhường cơm cho em. Em không dám nhận gói cơm của các cô nữa đâu”.
Tôi chia sẻ với cô Nhung khi gói “cơm Tiên” của cô đã bị “bại lộ” nhưng không biết cách nào để gỡ bí cho cô mà chỉ tin rằng, thế nào rồi trong bài giảng ngày mai, lớp của Dé sẽ được nghe một chuyện cổ tích khác từ cô giáo của mình. Và như thế, một gói “cơm Tiên” khác sẽ đến với cậu học trò đầy lòng tự trọng ấy từ cây chò, cây gụ nào đó trên cánh rừng mà Dé vẫn thường qua sau buổi tan trường./.