Mô hình trường học mới bậc THCS: Những hiệu quả bước đầu

02:01, 31/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau một học kỳ thực hiện dạy học theo mô hình trường học mới bậc THCS tại 22 trường trên địa bàn tỉnh, đã thu lại những kết quả bước đầu. Mặc dù vẫn còn tồn tại một số khó khăn, song mô hình này được đánh giá mang lại cho các em những kỹ năng cần thiết và ngày càng tự tin hơn.

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi có mặt tại Trường THCS thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) khi các em học sinh (HS) lớp 6 đang học theo mô hình trường học mới. Đây là mô hình đã được thực hiện hơn 4 năm đối với bậc tiểu học. Ở bậc THCS là năm đầu tiên thực hiện mô hình trường học mới. Sau một học kỳ thực hiện, các em HS đã làm quen và thích nghi với mô hình này. Nhiều em thích thú với mô hình bởi sự hữu ích của nó.

Các em học sinh Trường THCS thị trấn Sông Vệ thích thú với mô hình trường học mới.
Các em học sinh Trường THCS thị trấn Sông Vệ thích thú với mô hình trường học mới.


Em Đào Quốc Nhật - Phó Chủ tịch Hội đồng tự quản lớp 6A, phấn khởi: “Em rất thích học theo mô hình trường học mới, vì chúng em dễ trao đổi. Hơn nữa chúng em tự quản lớp và quản nhóm. Trong một nhóm, tất cả các bạn cùng làm việc để cho ra sản phẩm là kết quả học tập. Bạn nào còn yếu thì được các bạn học giỏi hơn giúp đỡ để cùng nhau tiến bộ. Nhờ vậy, chúng em có sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập”. Từ mô hình trường học mới đã giúp những em học giỏi có thể phát huy được kỹ năng; còn những em học yếu sẽ được sự hỗ trợ từ phía bạn bè để cùng tiến bộ.

Bên cạnh những mặt tích cực do mô hình trường học mới mang lại thì các em HS cũng cho rằng, việc ngồi học theo từng nhóm vẫn còn một số bất cập, một số bạn “lợi dụng” việc thảo luận nhóm để nói chuyện, gây mất trật tự trong lớp. Cùng với đó là khó theo dõi bài khi giáo viên đứng trên bảng để giảng dạy. Theo cô Nguyễn Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Sông Vệ, những mặt hạn chế đó đều có thể khắc phục được. “Chúng tôi đã chỉ đạo giáo viên cho các em HS luân phiên thay đổi chỗ ngồi để tránh tình trạng các em ngồi mãi ở một vị trí; đồng thời giáo viên phải hạn chế đứng trên bảng, mà phải đứng dưới lớp cùng với HS và linh động đi lại để các em không phải nhìn mãi về một hướng”, cô Trinh cho biết.

Việc dạy học theo mô hình mới đem lại rất nhiều thuận lợi cho các em HS, như giúp các em chủ động chuẩn bị bài trước và được thảo luận nhóm, góp phần giúp các em tự tin đứng trước đám đông. Các em yếu sẽ không bị tự ti và dần hình thành được rất nhiều kỹ năng cần thiết khác. Tuy nhiên, khi thực hiện theo mô hình mới thì giáo viên không thực hiện việc chấm điểm cho HS mà chỉ ghi lời nhận xét vào sổ tay lên lớp. Đến cuối học kỳ các em mới có một bài kiểm tra, nên nhiều phụ huynh không đồng tình. Một phụ huynh của Trường THCS thị trấn Sông Vệ, bức xúc: “Trước đây chỉ cần nhìn vào điểm là tôi có thể biết con mình học như thế nào, nhưng từ khi lên lớp 6 và học theo mô hình mới, tôi không hiểu con mình ở mức nào để có thể theo dõi và kèm cháu”.

Băn khoăn đó được cô Trinh chia sẻ: Khi thực hiện mô hình này, trường đã tập trung tuyên truyền cho các bậc phụ huynh kể cả trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, các cuộc họp HĐND, Đảng ủy, nhà trường luôn lồng ghép để tuyên truyền rộng rãi cho các bậc phụ huynh hiểu lợi ích của mô hình dạy học mới mang lại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phụ huynh chưa đồng tình. Hơn nữa, việc khen thưởng cho các em cũng gặp nhiều khó khăn vì quá trình học tập của các em được kéo dài trong suốt một thời gian dài, nhưng chỉ có một bài kiểm tra để đánh giá là rất khó khăn. Bên cạnh đó, tỉ lệ giữa HS hoàn thành và không hoàn thành rất gần nhau. Trong khi đó, cách xếp loại truyền thống có đến 4 mức gồm giỏi, khá, trung bình và yếu, nên tỷ lệ HS lên lớp rất cao. Điều này khiến nhà trường lo lắng khi xếp loại cuối năm.

Làm việc với chúng tôi về vấn đề này, ông Đoàn Dụng- Giám đốc Sở GD&ĐT, nói: Năm học 2015 - 2016, Bộ GD&ĐT chỉ đạo làm thí điểm 22 trường trên địa bàn tỉnh và cơ chế khen thưởng cho các em do hiệu trưởng quyết định. Qua một học kỳ thực hiện cho thấy, loại hình trường học này phát huy được nhiều ưu điểm góp phần đổi mới giáo dục và đào tạo.

Hiện một số trường phản ánh có giáo viên được tập huấn công tác chuyên môn, có giáo viên thì không dẫn đến những mặt hạn chế nhất định. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT chỉ có nguồn kinh phí đào tạo một lần cho giáo viên cốt cán thuộc các trường thực hiện mô hình trường học mới và Phòng GD&ĐT. Sau đó, Phòng GD&ĐT có trách nhiệm bồi dưỡng lại cho giáo viên các trường. Bên cạnh đó, các Phòng GD&ĐT cần tích cực tham mưu cho UBND huyện bố trí, sắp xếp kinh phí hằng năm để mua sắm thiết bị phục vụ cho các đơn vị thực hiện mô hình trường học mới đảm bảo cho việc dạy và học. Việc đánh giá HS cũng được Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện theo Công văn số 1471.

Bài, ảnh: TR.PHƯƠNG
 


.