Quyết tâm thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục

09:01, 06/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục và đào tạo là yêu cầu cấp thiết, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn đổi mới và hội nhập. Với sự chung sức đồng lòng, ngành giáo dục Quảng Ngãi sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, xây dựng nền tảng giáo dục vững chắc, góp phần thúc đẩy sự phát triển của quê hương, đất nước.

TIN LIÊN QUAN

Bắt đầu từ nhận thức

Trong năm học 2014- 2015, những chỉ tiêu của toàn ngành đề ra đều  hoàn thành. Học sinh được đánh giá, xếp loại thực chất hơn nhờ đổi mới trong kiểm tra, đánh giá. Toàn tỉnh có 17 HS giỏi cấp quốc gia, trong đó có 1 em dự thi tuyển chọn vào đội tuyển thi HS giỏi quốc tế; 6 đề tài đoạt giải Khoa học kỹ thuật quốc gia; 5 HS đoạt giải Tài năng tiếng Anh quốc gia; 44 giải Giải Toán qua Internet quốc gia; 42 giải Olympic tiếng Anh quốc gia…

Toàn ngành giáo dục và đào tạo đã và đang quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, cũng như Chương trình hành động số 51 của Tỉnh ủy. Mới đây, Sở GD&ĐT tổ chức cuộc thi tìm hiểu Nghị quyết 29 nhằm giúp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nắm rõ hơn nội dung nghị quyết để thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới giáo dục.

Để đổi mới thành công GD&ĐT không phải một sớm một chiều mà đòi hỏi tính lâu dài và quan trọng hơn cả là đổi mới nhận thức của đội ngũ giáo viên. Ông Nguyễn Minh Trí- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh, Nghị quyết 29 là nghị quyết có tư duy đổi mới tiến bộ, tiệm cận dần với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Yêu cầu đặt ra hiện nay là, chuyển đổi từ quan điểm truyền thụ kiến thức một chiều mang tính áp đặt sang việc phát huy năng lực, phẩm chất của người học. Điều này đòi hỏi phải đổi mới cả phương pháp kiểm tra,  đánh giá.

Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 29 đội ngũ giáo viên các cấp đã tích cực thực hiện các giải pháp để đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục. Phong  trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” tiếp tục được đẩy mạnh. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng lên, số học sinh giỏi các cấp ngày càng tăng; kỷ cương, nền nếp trong các nhà trường được duy trì, nhiều cơ sở giáo dục đã phát huy tốt lợi thế, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đáp ứng được sự mong đợi của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tin cậy của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Còn tại Trường ĐH Phạm Văn Đồng, để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, nhà trường cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ông Phạm Nghi - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng cho rằng, để chuyển đổi từ giáo dục nội dung sang đào tạo theo Nghị quyết 29, nhằm hình thành phẩm chất và năng lực người học đòi hỏi phải thiết kế lại chương trình học. Trường đã tiến hành rà soát và biên soạn lại chương trình đào tạo, nhất là chương trình sư phạm. Giáo viên chủ động thay đổi phương pháp dạy học, chú trọng đổi mới thi cử, tăng cường ra đề mở.

Phân luồng, định hướng nghề cho học sinh

Đổi mới phương pháp giảng dạy góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới giáo dục.  Ảnh: TR.PHƯƠNG
Đổi mới phương pháp giảng dạy góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới giáo dục. Ảnh: TR.PHƯƠNG


Cùng với việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy thì phân luồng, định hướng nghề cho học sinh (HS) là nhiệm vụ hết sức quan trọng được tỉnh ta chú trọng thực hiện. Có thể nói, nguồn lao động của tỉnh ta khá dồi dào, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp còn cao. Thực tế nhiều năm qua, trong giáo dục có nhiều hệ đào tạo khác nhau và tình trạng "mọc lên" ngày càng nhiều trường đại học đã gây khó khăn trong công tác phân luồng, dẫn đến thực trạng thừa thầy, thiếu thợ. Nghị quyết 29 đã chỉ rõ cần phải đẩy mạnh phân luồng sau THCS; định hướng nghề nghiệp ở THPT, nhằm tạo một môi trường giáo dục chất lượng, rõ ràng…
 

Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, kỹ năng của người học; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, kiến thức pháp luật và ý thức công dân... Tích cực phân luồng học sinh sau THCS, định hướng nghề nghiệp ở THPT, liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường thực hiện nhiều biện pháp để phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho HS. Nhiều trường đã tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho HS. Đơn cử như Trường THPT Lê Trung Đình (TP. Quảng Ngãi), ngoài dạy văn hóa, nghề phổ thông, trường còn dành thời gian 3 buổi/tháng để tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu nghề cho HS. Nhờ vậy trong những năm gần đây, nhiều em HS đã chọn ngành nghề phù hợp với bản thân, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Còn tại Trường THPT tư thục Hoàng Văn Thụ, hàng năm trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường tổ chức nhiều buổi hướng nghiệp. Thầy Lương Văn Việt- Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nhiều em đã nhận thức rõ học lực của mình để chọn nghề, chọn trường phù hợp. Năm học 2014- 2015 là năm đầu tiên thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, nhưng các em đã chọn điểm thi phù hợp với năng lực của mình, vì thế đã có 80% HS đỗ tốt nghiệp tại điểm thi ở tỉnh. Sau khi tốt nghiệp, đa số các em vào các trường dạy nghề trong tỉnh để học.

Trong những năm qua, Sở GD&ĐT cũng đã tạo điều kiện cho hơn 200 trường trung cấp chuyên nghiệp trên toàn quốc đến Quảng Ngãi tổ chức tư vấn tuyển sinh, thu hút hàng nghìn lượt HS lớp 12 tham gia. Ngoài ra, ngành giáo dục còn phối hợp với Hội LHPN các cấp trong tỉnh triển khai chương trình “Kỹ năng tư vấn cá nhân về khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp cho HS trung học”. Qua đó chị em phụ nữ đã tích cực định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực của con em mình...
 

MAI HẠ - TR.PHƯƠNG



 


.