(Báo Quảng Ngãi)- Trước những đổi mới của kỳ thi “2 trong 1”, các trường THPT khu vực miền núi, hải đảo của tỉnh đã tích cực chuẩn bị cho kỳ thi. Do đặc thù chất lượng giáo dục miền núi còn thấp, nên các trường tập trung ôn tập chuẩn kiến thức, kỹ năng và kéo dài thời gian ôn tập, để các em kịp thời lấp lỗ hổng kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi có tính quyết định đến tương lai.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cụm thi địa phương “hút” thí sinh
Chính vì đầu vào lớp 10 của các em học sinh (HS) miền núi rất thấp so với đồng bằng, nên trước những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia 2015, điều các trường lo lắng đó là tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp năm nay sẽ thấp hơn nhiều so với mọi năm. Thầy Lữ Công Anh- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Minh Long, cho biết: Toàn trường có 100 HS lớp 12, trong đó có 50% HS là người dân tộc thiểu số. Qua kết quả kiểm tra học kỳ I, toàn khối 12 của trường chỉ có 5 HS đạt học lực khá, 5 HS đạt trung bình.
Học sinh lớp 12C1 Trường THPT Minh Long tích cực ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi “2 trong 1”. Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG |
Tuy nhiên qua kết quả ban đầu có 23 em chọn thi THPT quốc gia tại cụm liên tỉnh. Trước sự lựa chọn này, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh và tiếp tục tư vấn cho học sinh để các em có sự lựa chọn cụm thi phù hợp. Đến nay, sau 2 tuần phát hồ sơ, các em đã hoàn chỉnh và nộp về nhà trường. Theo đó, chỉ có 4 em đăng ký thi cụm liên tỉnh. Em Đinh Văn Hạnh- HS lớp 12C1, Trường THPT Minh Long, cho biết: Do năng lực của bản thân còn yếu, nên em quyết định chọn thi tại cụm địa phương để xét tốt nghiệp THPT. Việc thi tại cụm địa phương sẽ giúp em giảm áp lực và thuận lợi hơn trong việc đi lại. Ngoài 3 môn bắt buộc, em chọn môn Địa để xét tốt nghiệp.
Ở huyện đảo Lý Sơn cũng có đa số học sinh chọn thi tại cụm địa phương. Đối với các em đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi “2 trong 1” nên không khỏi bỡ ngỡ. Thầy Ngô Đình Mẫn- Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn, cho biết: Toàn trường có 293 em HS lớp 12. Theo đăng ký ban đầu, trường có 247 em đăng ký dự thi cụm địa phương và 46 em đăng ký thi cụm liên tỉnh. Theo quy định, từ nay đến ngày 30.4 các em có quyền thay đổi môn tự chọn và cụm thi. Dựa vào kết quả đăng ký cụm thi và môn tự chọn, nhà trường tiếp tục ôn tập nhằm đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng.
Chú trọng lấp “lỗ hổng” kiến thức
Trước thực trạng về năng lực của HS ở khu vực miền núi còn yếu nên ngay từ đầu năm học, các trường đã chú trọng đến việc tư vấn để các em đăng ký cụm thi tại địa phương. Ngoài ra, BGH các trường cũng chủ động chỉ đạo giáo viên bộ môn giảng dạy theo chuẩn kiến thức, dạy phụ đạo nhằm lấp lỗ hổng kiến thức cho các em. Thầy Lữ Công Anh, chia sẻ: Ngay từ học kỳ I, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh và được sự đồng tình của các bậc phụ huynh trong việc tổ chức dạy phụ đạo cho các em. Vì vậy, việc phụ đạo cho các em đã được bắt đầu từ rất sớm nhằm lấp lỗ hổng kiến thức cho các em.
Theo quy định của Sở GD&ĐT, cuối tháng 4 sẽ hoàn thành chương trình lớp 12 và đến đầu tháng 5 các trường sẽ tổ chức ôn tập cho học sinh trong 6 tuần. Tuy nhiên, theo thầy Lữ Công Anh do đặc thù của địa phương nên từ giữa tháng 4, nhà trường đã tổ chức việc ôn tập. Đối với các môn bắt buộc gồm Toán, Văn, Anh nhà trường tổ chức dạy thêm 3 tiết/tuần; các môn còn lại gồm Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa các em được ôn tập 2 tiết/tuần. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên không được cắt xén chương trình theo quy định của ngành.
Còn tại Trường THPT Trà Bồng, thầy Đỗ Ngọc Đức- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: BGH nhà trường xác định chất lượng giáo dục miền núi thấp hơn so với đồng bằng, nên nhà trường đã tổ chức tư vấn cho các em chọn cụm thi tại địa phương để giảm áp lực, tăng khả năng đậu tốt nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức phân loại học sinh để ôn tập. Đối với những em chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp thì nhà trường tổ chức ôn tập kiến thức cơ bản. Riêng đối với những thí sinh chọn cụm thi liên tỉnh thì nhà trường chỉ đạo giáo viên ôn tập nâng cao để các em vừa xét tốt nghiệp, vừa sử dụng kết quả đó để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Ông Nguyễn Minh Trí-Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Đối với các trường miền núi, chúng tôi cũng lưu ý các trường tư vấn cho các em lựa chọn cụm thi phù hợp. Có trên 120 trường ĐH, CĐ trong cả nước tổ chức xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi “2 trong 1” tại cụm thi địa phương và học bạ. Vì vậy việc các em thi tại cụm địa phương vẫn có cơ hội được học ĐH. Các trường miền núi cần quan tâm ôn tập chuẩn kiến thức kỹ năng để nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG