Khi thầy cô vùng cao làm dân vận

10:03, 23/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau những giờ lên lớp, những giáo viên ở vùng cao Sơn Tây còn phải làm nhiệm vụ “cán bộ dân vận”. Họ dầm sương dãi nắng, băng rừng lội suối đến từng nhà vận động người dân động viên con em trở lại trường để mong có được con chữ làm hành trang vào đời.

Đi tìm học sinh

7 giờ tối một ngày giữa tháng ba, chúng tôi theo chân hai thầy giáo Khánh và Quang của Trường THCS Sơn Dung qua thôn Nước Lang- một địa bàn xa nhất của xã Sơn Dung để vận động học sinh ra lớp. Suốt chặng đường dài trong bóng tối, chỉ có vài ánh đèn xe máy quét vào vách núi, vực sâu, khiến con đường như dài thăm thẳm.

 

Thầy Khánh và thầy Quang (bìa phải) tại nhà em Đinh Văn Sáu.
Thầy Khánh và thầy Quang (bìa phải) tại nhà em Đinh Văn Sáu.


Thấp thoáng bên sườn đồi là những ngôi nhà nhỏ lọt thỏm giữa núi rừng bao la. Nơi ấy, những ánh sáng nhỏ phát ra như loé lên tia hy vọng cho các thầy cô giáo, bởi người dân vẫn còn thức sau một ngày lao động trên núi, nên khỏi phải quay lại lần sau. Màn đêm giữa đại ngàn tháng ba càng về khuya càng heo hút và lạnh lẽo, nhưng rồi chúng tôi cũng đến được khu dân cư Nước Lang sau hơn nửa giờ đi xe máy. “Ở đây, tuần vừa rồi có 9 em học sinh thường xuyên không đến lớp”, thầy Khanh nói.

Chúng tôi bước vào nhà em Đinh Văn Sáu, học sinh lớp 8A đã vắng học từ chiều hôm trước. Ngôi nhà sàn có điện nhưng nhìn không rõ mặt người, bởi công suất bóng điện quá nhỏ so với không gian ngôi nhà. Lúc này, bữa cơm tối đã xong, nhưng bếp lửa vẫn còn đỏ rực, cả nhà đang vây quanh sưởi ấm. Hai thầy giáo đưa mắt nhìn quanh nhà, nhưng vẫn không thấy mặt em Sáu. Biết có chuyện không hay đối với con mình, mẹ em Sáu đưa mắt về phía hai thầy giáo với gương mặt đượm buồn, nói: “Nó không về nhà hai hôm rồi. Mình nghĩ nó ở lại trường học chứ! Thôi thì để ngày mai mình đi tìm nó. Phải học được con chữ thì mới biết cách làm ăn”.

Nỗi buồn của gia đình em Sáu cũng là nỗi lo của các thầy cô giáo ở đây. Nhưng với trách nhiệm phải tìm cho được em Sáu, hai thầy giáo đành phải đi sâu vào trong xóm để hỏi thăm các bạn cùng trang lứa, thì biết được Sáu đã đi “ăn trâu” bên nhà bạn ở xóm bên không về. Một số học sinh khác thì xuống vùng lòng hồ thủy điện Đăkđrinh để vận chuyển keo thuê kiếm tiền rồi ở lại luôn dưới đó.

Sơn Tây đang vào “mùa đâm trâu”- một lễ hội truyền thống của người Ca Dong. Người ta đến những điểm đâm trâu để ăn uống, nhảy múa suốt nhiều ngày. Thường họ kéo đi cả nhà và một số em học sinh cũng nghỉ học tham gia.

Biết được chuyện học sinh trong thôn bỏ học từ trước, ngay trong đêm chúng tôi đến, bí thư chi bộ cùng lãnh đạo thôn Nước Lang triệu tập ngay cuộc họp bà con trong xóm với sự tham gia của thầy Khánh và thầy Quang. Lãnh đạo thôn thông báo với bà con là trong xóm có 9 học sinh đi học giã gạo tuần vừa rồi và nêu cả tên bố mẹ có con em nghỉ học. Ông bí thư chi bộ thôn nói với giọng đượm buồn: Nhiều con em mình nghỉ học thì thôn còn gì để thi đua nữa. Biết rằng, con em mình xa trường nhưng đã được nhà trường bố trí chỗ ở lại ăn nghỉ, học tập; Nhà nước cũng cấp tiền hỗ trợ hằng tháng kia mà. Ngay từ ngày mai, đồng bào mình phải đưa con em trở lại lớp để học cái chữ. Gia đình nào có con em bỏ hoặc đi học giã gạo sẽ bị cắt tất cả các chế độ. Nghe thế, những người dân dự họp đều im lặng, song nhìn vào đôi mắt của họ, chúng tôi biết rằng, trong sâu thẳm suy nghĩ của họ thì lời nói của ông bí thư là đúng.

Một hội đồng hai nhiệm vụ

Thầy giáo Nguyễn Văn Khánh được phân công theo dõi số lượng học sinh đến lớp ở thôn Nước Lang, cho biết, ông đã công tác ở đây gần 20 năm rồi. Chuyện học sinh đi học kiểu giã gạo vào mùa đâm trâu, lễ tết, mùa thu hoạch keo không phải là hiếm. Khi ấy, thầy cô giáo sau khi rời bục giảng là phải đóng vai một cán bộ dân vận. Không chỉ vận động học sinh ra lớp mà các thầy cô còn mang ánh sáng văn minh của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào vùng cao, từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. “Bây giờ đường sá đi lại thuận tiện, còn ngày trước thì vất vả lắm. Là giáo viên vùng cao mà chỉ biết đứng trên bục giảng thì chắc sẽ không còn học sinh để mà dạy”, thầy Khanh tâm sự.

Ông Lê Hoài Thạnh – Trưởng Phòng Giáo dục huyện Sơn Tây cho biết, để động viên và nhắc nhở con em đồng bào trong huyện đến lớp, ngoài việc phân công giáo viên theo dõi học sinh theo địa bàn thì chúng tôi còn tham mưu cho chính quyền địa phương ở các xã đôn đốc, nhắc nhở phụ huynh việc đi học của con em mình.

Đối với ngành thì mỗi hội đồng nhà trường phải thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ, vừa giảng dạy chuyên môn, vừa phải đi vận động học sinh đến lớp thường xuyên. Những năm trước, việc đi lại khó khăn nên giáo viên đi vận động học sinh 1 đến 2 lần/tuần. Còn bây giờ đi lại thuận tiện hơn nên học sinh không đến trường một vài hôm là chúng tôi phải đến từng nhà để tìm hiểu vận động các em trở lại trường. Việc đi vận động học sinh đến lớp ngoài giờ lên lớp thì giáo viên không có sự trợ cấp nào, mà đó làm tấm lòng, sự nhiệt huyết và còn là trách nhiệm của mỗi người đối với sự nghiệp giáo dục ở vùng miền núi còn khó khăn này.

Với sự nỗ lực của toàn ngành, đặc biệt là đội ngũ giáo viên tích cực vận động học sinh ra lớp, nên tỷ lệ học sinh học giã gạo ở Sơn Tây đã giảm đáng kể. Trung bình chỉ khoảng 5 – 10%, chủ yếu là vào mùa lễ, hội của đồng bào nơi đây.


Bài, ảnh: X.THIÊN


 


.