(Baoquangngai.vn)- Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) ra đời từ năm 2008, mở ra cơ hội cho người lao động được hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm cuộc sống của họ khi về già. Tính ưu việt của chính sách là rất rõ. Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua ở Quảng Ngãi số lượng người tham gia còn quá khiêm tốn.
Mơ hồ
“BHXHTN là gì?”, “Không biết”- đó là câu trả lời mà chúng tôi nhận được khi khảo sát thực tế rất nhiều người tại nhiều địa phương từ miền núi đến vùng biển, thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Anh Lê Văn Lắm ở Mai Lãnh Hạ, xã Long Mai (Minh Long) cho hay từ trước tới giờ anh chỉ biết qua về các loại hình bảo hiểm như: y tế, thân thể vì đầu năm học nào cũng đóng tiền mua cho con còn loại bảo hiểm cho nông dân đóng để về già được hưởng lương hưu thì đây là lần đầu tiên anh nghe nói đến.
Cũng giống như anh Lắm, chị Phạm Thị Minh ở thôn Ngọc Dạ, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) cũng ngơ ngác khi được hỏi về loại hình bảo hiểm này. Chị cho biết thu nhập của gia đình phụ thuộc vào 3 sào ruộng, hết việc đồng áng là đi làm thuê mà chưa đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Bởi thế, mọi thông tin về BHXHTN chị đều không biết mà có biết cũng không có tiền để tham gia.
Nhiều người dân chưa được tiếp cận với thông tin về BHXHTN. |
Còn anh Phạm Trường Sơn ở thôn Tiên Đào, xã Bình Trung (Bình Sơn) có kinh tế tương đối ổn định, muốn tham gia loại hình bảo hiểm này để về già đỡ lo toan, nhưng cũng e ngại. Theo anh Sơn, năm nay anh đã 54 tuổi, nếu đóng thì sau 74 tuổi anh mới được hưởng lương hưu. “Thời gian đóng bảo hiểm quá dài, hơn nữa trong lúc tham gia, có ốm đau cũng chẳng được hưởng chế độ gì. Mua bảo hiểm y tế chắc chắn hơn”- anh Sơn chia sẻ.
Tại huyện Mộ Đức, một trong những địa phương có số người tham gia BHXHTN tương đối khá, nhưng cũng chỉ dừng lại ở con số trên 120 người. Không chỉ nông dân ở các xã miền núi, mà ngay cả ở các địa phương đồng bằng nhiều người hiện vẫn chưa tiếp cận được thông tin.
Hiện toàn tỉnh chỉ có khoảng 600 người tham gia BHXHTN. Hầu hết là cán bộ bán chuyên trách của xã, thôn, hoặc những người đã tham gia bảo hiểm bắt buộc, nhưng chưa đủ 20 năm. Còn số người dân tham gia lần đầu thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Để tiến tới bảo hiểm toàn dân, vừa qua, BHXH tỉnh đã phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh triển khai thí điểm tập huấn phổ biến pháp luật BHXH, BHYT cho cán bộ, hội viên và nhân dân ở 2 xã Bình Trung (Bình Sơn) và Hành Thịnh (Nghĩa Hành). Tuy vậy, đến thời điểm này, ở hai địa phương trên vẫn chưa có ai tham gia mới.
Nhiều rào cản
Chính sách BHXHTN được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh ta từ năm 2008, mở ra cơ hội cho mọi người dân được hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm cuộc sống của họ khi về già… Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến chính sách này chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi.
Theo anh Bùi Văn Thắng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Trung, BHXHTN yêu cầu đối tượng tham gia lâu dài trong khi đời sống của đại bộ phận nông dân trên địa bàn xã Bình Trung vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh, khiến họ không mặn mà với loại hình bảo hiểm này.
Còn theo ông Võ Việt Chính- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, việc BHXH các cấp chưa phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Hội Nông dân truyền truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân cũng là nguyên nhân khiến nhiều đa số bộ phận nhân dân còn mù mờ về chính sách.
Thu nhập của đại đa số nông dân còn nhiều khó khăn nên nhiều người không mặn mà với BHXHTN. |
Mức thu nhập quy định làm cơ sở để tính đóng BHXHTN được thay đổi tùy theo khả năng của người lao động ở từng thời kỳ, nhưng thấp nhất bằng 20% mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung.
Nghĩa là với mức lương tối thiểu hiện nay 1.150.000 đồng/tháng thì số tiền thấp nhất mà người nông dân phải đóng là 230.000 đồng/tháng. Đây là số tiền không lớn với các gia đình khá giả nhưng không nhỏ đối với người lao động tự do, đặc biệt là nông dân chân lấm tay bùn. Bởi thực tế thu nhập của họ từ 1-2 triệu đồng/tháng, xoay xở cho hiện tại đã khó huống chí lo cho tương lai xa.
Mặc khác, quyền lợi được hưởng của đối tượng khi tham gia BHXHTN hạn chế cũng là rào cản người dân tham gia loại hình bảo hiểm này. Cụ thể, đối với người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ là ốm đau, hưu trí, tử tuất, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và được người sử dụng lao động đóng phí. Trong khi đó người tham gia BHXHTN phải lo hoàn toàn việc đóng phí, nhưng chỉ được hưởng 2 chế độ đó là hưu trí và tử tuất.
Ông Phan Văn Lệ- Trưởng phòng thu, BHXH tỉnh, thời gian đóng 20 năm là quá dài, mức đóng hiện tại bằng 20% lương tối thiểu hơi quá sức với phần lớn lao động nông thôn. Nếu Chính phủ có chính sách hỗ trợ, chắc chắn người dân sẽ tham gia nhiều hơn.
Tiến tới BHXH toàn dân là mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta. Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh việc tuyên truyền sâu rộng hơn nữa Luật BHXH để người dân thấy được lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH tự nguyện, cần điều chỉnh một số quy định sao cho phù hợp, hài hòa với thực tế để thu hút người dân tham gia.
Bài, ảnh: Ái Kiều