(QNg)- Được đầu tư xây dựng với số tiền tỷ, nhưng một số công trình trường học ở miền núi mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp, khiến không một ai không khỏi xót xa... Trường THCS Ba Trang là công trình kiên cố hàng đầu của xã nghèo Ba Trang (Ba Tơ), nhưng đi sâu vào bên trong chúng tôi không khỏi giật mình khi cửa kính bị vỡ, các chốt cửa bung ra, nhiều cửa sổ treo lơ lửng. Một số cửa chính dẫn vào lớp học phải dùng đá để chặn bên ngoài cửa.
Công trình này có tổng vốn đầu tư gần 889 triệu đồng, với quy mô 2 dãy lớp học 6 phòng. Đến tháng 12/2008, chủ đầu tư quyết định điều chỉnh tổng dự toán công trình lên 1,057 tỷ đồng và tháng 2/2009 chủ đầu tư tiếp tục điều chỉnh tổng mức đầu tư gần 1,2 tỷ đồng. Sau một thời gian đưa vào sử dụng, đến nay công trình đã xuống cấp nặng nề, xung quanh trường như một cơ sở bỏ hoang. Khu nhà vệ sinh dành cho học sinh cũng xiêu vẹo, nhếch nhác. Ông Lữ Văn Kiều - Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận: Một số hạng mục công trình của trường hư hỏng là có thật. Hiện trường đang làm tờ trình xin vốn để sửa chữa. Trường THCS Ba Khâm (Ba Tơ) cũng không khá gì hơn. Bàn ghế gãy chân, cửa kính rơi vãi… Ngay cả cửa chính dẫn vào phòng hiệu bộ cũng nứt toác.
Phòng Hiệu bộ Trường THCS Ba Khâm (Ba Tơ). |
Trường tiểu học thị trấn Ba Tơ có 8 phòng học với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn còn 3 phòng học bỏ không do chưa có bàn ghế. Bi đát hơn là Trường THCS Ba Tô, gồm 6 phòng được hoàn thành năm 2007 từ nguồn vốn kiên cố hóa trường học của Sở GD&ĐT. Đến năm 2011, UBND huyện Ba Tơ tiếp tục đầu tư từ nguồn vốn 30a để xây thêm cho trường dãy nhà 8 phòng học với tổng kinh phí 1,9 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học cho 237 học sinh. Tiếc rằng, đấy chỉ là cái vỏ, vì Nhà nước đầu tư xây phòng học chứ không đầu tư mua bàn ghế.
Đầu tư kiên cố hoá các công trình trường học ở miền núi là một việc làm hết sức có ý nghĩa và thiết thực. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, sau khi hoàn thành công trình phải được sử dụng và bảo quản một cách hiệu quả nhất, tránh tình trạng ghi vốn đầu tư, còn hiệu quả sử dụng thế nào phó mặc cho đơn vị hưởng lợi.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC