Bất cập ở một ngôi trường cấp 2

10:06, 27/06/2013
.

(QNĐT)- Trường THCS Ba Tô (Ba Tơ) được thành lập từ năm 2007. Đến nay, trường có 237 học sinh, chia thành 8 lớp dưới sự quản lý, dạy dỗ của 16 giáo viên. Vốn là ngôi trường bậc nhất xã vùng cao, nhưng cả thầy và trò nơi đây đang phải khổ sở vì chịu cảnh thiếu thốn đủ bề.

TIN LIÊN QUAN


Theo chân đoàn giám sát của HĐND tỉnh, chúng tôi đến thăm trường THCS Ba Tô vào một ngày đầu tháng 6. Ngôi trường được giới thiệu là “xịn" nhất xã nằm trơ trọi giữa mảnh đất cao ráo. Bốn bề xung quanh là cỏ dại và cây cối. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Thế Trung e ngại nói: Từ khi thành lập đến nay, trường chưa hề có tường rào, cổng ngõ.

Theo lời bộc bạch của thầy hiệu trưởng, so với ngày mới thành lập, trường được xây dựng với 2 dãy nhà đã quá khang trang rồi. “Không có tường rào cổng ngõ chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là làm sao đảm bảo điều kiện học hành cho các em học sinh, mà chúng tôi còn lo chưa nổi”- Thầy Trung giải bày.

 

Trường THCS Ba Tô chỉ được đầu tư xây vỏ, mà không chú trọng nhu cầu và mục đích sử dụng
Trường THCS Ba Tô chỉ được đầu tư xây vỏ, mà không chú trọng nhu cầu và mục đích sử dụng


Tham quan một vòng tại ngôi trường cấp 2, chúng tôi mới hiểu được vì sao thầy hiệu trưởng lại nói vậy. Trường gồm 2 dãy phòng học. Dãy 6 phòng được hoàn thành năm 2007 từ nguồn vốn kiên cố hóa trường học của Sở GD&ĐT. Đến năm 2011, UBND huyện trích từ nguồn vốn 30a để xây thêm cho trường dãy nhà 8 phòng học với nguồn kinh phí 1,9 tỷ đồng.

Có thêm dãy nhà mới, cả thầy và trò đều phấn khởi vì có điều kiện dạy, học thêm ổn định. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà Ban giám hiệu lại thêm chuyện đau đầu.

Nhà đầu tư chỉ bàn giao cho trường “cái vỏ”, còn việc sử dụng ra sao, có phù hợp với nhu cầu của nhà trường hay không, hoặc lấy bàn ghế ở đâu để lắp vào phòng trống thì đó là chuyện của trường. Thầy trò lại phải chạy đôn chạy đáo quyên góp tiền từ phụ huynh học sinh để mua bàn ghế. Buồn một nỗi, phụ huynh ở vùng rừng núi Ba Tô này còn nghèo quá. Không có đủ gạo ăn qua ngày thì lấy tiền đâu đóng bàn ghế học tập cho các con.

Ban giám hiệu trường đành sử dụng lại toàn bộ số bàn ghế cũ đã ọp ẹp được đóng từ 2007 để các em tập trung học tại dãy nhà mới. Chuyện bàn ghế tuy thiếu nhưng đã ổn định. Các thầy cô lại lo đến vấn đề phòng học dư nhưng chẳng thể tận dụng làm phòng học chức năng. Thầy Phạm Văn Liêu- giáo viên dạy hóa sinh của trường cho hay: Các giờ học thực hành của học sinh đều diễn ra tại phòng học chứ làm gì có phòng học bộ môn. Cả trường có đến 14 phòng, nhưng thầy trò chỉ tận dụng được khoảng 10 phòng. Phòng học dư đến 4-5 phòng nhưng không thể tận dụng làm phòng học chức năng được vì không đúng với thiết kế.

 

Nhà trường đang không có kinh phí mua bàn ghế, tủ đựng các trang thiết bị dạy học
Nhà trường đang không có kinh phí mua bàn ghế, tủ đựng các trang thiết bị dạy học


Đến hiện tại, trường vẫn chưa có bất cứ phòng học bộ môn nào theo quy định của Bộ GD&ĐT. “Ngay cả môn tin học cũng phải bỏ ra ngoài chương trình vì nhà trường không có kinh phí mua trang thiết bị. Chúng tôi đã đề nghị cấp trên cấp kinh phí để sửa chữa các phòng học theo đúng thiết kế để làm phòng chức năng nhưng vẫn chưa được trả lời.”- thầy Trung cho hay.

Tại thư viện của trường, một phần sách giáo khoa, sách tham khảo được cho vào các kệ tủ đã mục nát hư hỏng. Một phần khác được bày ra giữa phòng, đặt tạm bợ trên các bộ bàn ghế học sinh. Hầu hết sách của thư viện trường đều trong tình trạng mất đầu, mất đuôi, nhiều cuốn đã hư hỏng.

Cô Nguyễn Thị Quỳnh Như- cán bộ văn thư quản lý thư viện cho hay: Thư viện có từ năm 2002 với hơn 300 đầu sách. Hiện tại, vì không có đủ điều kiện bảo quản nên chúng tôi đành tận dụng hết khả năng để giữ gìn. Nhưng cũng đành chịu thua. Hiện sách giáo khoa cho các em lớp 6,7 đang bị thiếu trầm trọng.

 

Hầu hết các đầu sách trong thư viện của trường đã mục nát và không được thay thế
Hầu hết các đầu sách trong thư viện của trường đã mục nát và không được thay thế


Các trang thiết bị và hóa chất phục vụ cho các giờ thực hành cũng được đặt trên 2 kệ gỗ đã quá cũ ở ngay phòng bên cạnh. “Trường không có đủ kinh phí sắm tủ, kệ nên đành để tạm vậy thôi. Kinh phí sắm sửa bàn ghế, tủ và trang thiết bị cũng như sách trong thư viện đều phụ thuộc vào cấp trên. Cứ kiểu này thì chúng tôi không thể đạt mục tiêu là trường chuẩn vào năm 2015 được”- thầy hiệu trưởng Nguyễn Thế Trung chia sẻ.

Đối mặt với những khó khăn về cơ sở vật chất, trường THCS Ba Tô đang phải “gồng mình” thực hiện vai trò là cơ sở giáo dục cho các em học sinh trong xã. Trong lòng các thầy cô nơi đây, vẫn luôn mong mỏi rằng: sẽ có ngày điều kiện dạy và học được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn.

Bà Trương Thị Xuân Hồng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, sau khi giám sát công trình tại trường THCS Ba Tô cho biết: Việc xây dựng các công trình của trường nhưng không chú trọng đến mục đích sử dụng có phát huy được hiểu quả hay không là vấn đề rất bật cập. Bên cạnh, tình trạng thiếu thốn trang thiết bị, lẫn sách giáo khoa sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học của trường. Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan, ngành chức năng để làm rõ những bất cập này.
 

 

Bài, ảnh: Thanh Phương
 

 


.