(QNĐT)- Mới chỉ khoảng 4 năm Trường THPT Tây Trà đi vào hoạt động, nhưng công tác dạy và học tại ngôi trường vùng cao này ĐÃ đắp xây nên nghĩa thầy trò cao đẹp. Không chỉ dạy, các thầy cô còn là chỗ dựa tinh thần, vật chất cho các em học sinh, đặc biệt là học trò nghèo, để các em thêm yêu trường, bám lớp, mến con chữ…
* Thắp lên ngọn lửa hiếu học
Sáng nay em Hồ Văn Long, ở thôn Trà Ong, xã Trà Quân là học sinh lớp 11A Trường THPT Tây Trà trở lại lớp học sau 10 ngày nghỉ học. Thầy giáo chủ nhiệm và bạn bè ra tận cổng trường để đón Long. Tất cả đều thân quen nhưng sao ánh mắt, cử chỉ của Long cứ rụt rè bỡ ngỡ…
“Long trở lại lớp học, thầy và các bạn vui lắm. Long hãy nỗ lực vượt qua khó khăn, bên em luôn có thầy và các bạn” – thầy giáo chủ nhiệm Huỳnh Đình Duy nắm tay Long nói.
Thầy giáo chủ nhiệm Huỳnh Đình Duy kèm thêm cho em Hồ Văn Long sau khi Long trở lại lớp. |
Vẫn giọng nói thân quen giảng bài trên lớp mỗi ngày, Long đã quen lắm, nhưng hôm nay nó bỗng làm Long bật khóc. “Thầy ơi, con cảm ơn thầy. Con sẽ không bao giờ bỏ học cho dù bất cứ hoàn cảnh nào thầy ạ” – Long xúc động nghẹn ngào. Những đôi bàn tay nắm lấy bàn tay cùng đưa Long vào chỗ ngồi, bắt đầu giờ kiểm tra môn Toán…
Long là học trò có hoàn cảnh khó khăn nhất lớp. Mẹ mất sớm, cha bỏ đi tìm hạnh phúc mới. Long và anh trai đang học lớp 12 cùng trường phải nhọc nhằn đùm bọc, lo toan, động viên nhau sống, học tập. Thế nhưng, cứ học vài ngày Long và anh trai lại phải nghỉ một ngày để đi làm mướn hoặc kiếm củi đem bán lấy tiền mua gạo.
Biết hoàn cảnh của Long khó khăn, thầy giáo và Ban Giám hiệu nhà trường cùng các bạn trong lớp đã vượt hơn 10km đường rừng đến nhà tìm hiểu, giúp đỡ, động viên Long trở lại lớp. Ban giám hiệu nhà trường đã ưu tiên xét cấp học bổng cho Long, số tiền không lớn nhưng đủ để anh em Long mua gạo ăn hàng ngày, không phải bỏ học đi làm thuê nữa…
Ở Trường THPT Tây Trà từ đầu năm đến nay đã có 22 học sinh bỏ học, trong đó đa số là vì gia đình khó khăn, không có điều kiện để đến lớp. Ban giám hiệu nhà trường cùng giáo viên đã đến tận nhà học sinh để vận động các em trở lại lớp dù phải vượt suối, băng rừng hàng chục kilomet. Hầu hết các học trò ấy đã nhận ra tình cảm mà các thầy cô giáo dành cho mình nên đã trở lại lớp tiếp tục học tập.
Em Hồ Văn Thảo – học sinh lớp 12 là một trong số các em đã từng nghỉ học dài ngày sau khi được thầy cô động viên đã tiếp tục đi học trở lại, nói: “Thầy cô đã giúp em xóa đi ý nghĩ bỏ học. Em sẽ cố gắng học thật tốt để có thể thi vào đại học, tìm kiếm việc làm lo cho tương lai”.
* Trăn trở học trò nghèo…
Chúng tôi đến Trường THPT Tây Trà đúng vào dịp Ban giám hiệu nhà trường tổ chức cuộc họp xét cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Mấy chục lá đơn xin cấp học bổng mà lá đơn nào cũng là những hoàn cảnh đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ. Thế nhưng quỹ học bổng của nhà trường lại có hạn. Mỗi năm chỉ khoảng 30 triệu đồng, do các thầy cô giáo đóng góp; một số “mạnh thường quân” ủng hộ.
Khi đọc những lá đơn với những con chữ tròn trịa, thiết tha gửi trao ước vọng được giúp đỡ để có thể tiếp tục đến trường, nét mặt các thầy cô trong ban giám hiệu trùng xuống. Không khí căng thẳng hơn bất cứ cuộc họp nào của Ban giám hiệu. Thế nhưng Ban giám hiệu vẫn phải “gạt” bớt, chỉ chọn 5 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để giúp đỡ trước” – thầy Nguyễn Công Hòa, Hiệu trưởng trường cho biết.
Thầy Hòa đưa cho chúng tôi xem 5 lá đơn xin cấp học bổng đã được chọn. Đọc qua những lá đơn ấy trong lòng chúng tôi bỗng trào dâng một niềm thương cảm đến khó tả.
Học trò Trường THPT Tây Trà làm báo tường nhân ngày 20/11 |
Em Hồ Thị Hải học sinh lớp 12A viết: “Nhà con rất nghèo, có tới 10 anh em. Tất cả chúng con đều khát khao được đi học. Thế nhưng cha mẹ con sức khỏe yếu, không thể làm rẫy nổi, đói ăn, thiếu mặc quanh năm. Mong thầy cô thương tình giúp đỡ các con thoát khỏi cảnh thất học”.
Sau buổi họp, các thầy cô giáo đã tự nguyên lấy tiền lương của mình góp vào để giúp cho các em. Thầy giáo Phi đã giúp 1 triệu đồng trong số tiền lương 3 triệu thầy vừa ký nhận…
Ở Trường THPT Tây Trà hầu hết các thầy cô giáo đều ở dưới miền xuôi lên dạy học, ở lại trường đến cuối tuần mới về nhà. Bởi vậy, các thầy cô luôn xem “Trường là nhà” và “học trò là con em”.
Sau bữa cơm tối, thầy cô lại đến từng phòng ở nội trú để kèm thêm cho các em học yếu; nhắc nhở các em vệ sinh ăn ở. Với 300 học sinh trong tổng số 670 em, nỗi lo cho sức khỏe, cái ăn cho số học sinh ấy mỗi ngày đang đè nặng trên đôi vai 38 giáo viên nhà trường. Một ngày trôi qua các học sinh đến lớp đều đặn, không có em nào ốm, nghỉ học không lý do là niềm vui vô tận của thầy cô giáo trong trường.
Tri ân những thầy cô đã yêu thương đùm bọc, dạy dỗ, chở che, những học trò nghèo đã tự tay mình viết nên những vần thơ; hái những bó hoa rừng về tặng cô nhân ngày 20/11.
BÀI, ẢNH: THANH NHỊ