(Báo Quảng NgãI)- Những năm qua, các đơn vị biên phòng thuộc BĐBP Quảng Ngãi đã phối hợp cùng với các cấp, ngành tiến hành nhiều biện pháp truyên truyền, tuần tra ngăn chặn các hoạt động khai thác hải sản trái phép, góp phần tích cực vào việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn tài nguyên, môi trường sinh thái biển, đảo phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững, các đồn biên phòng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền cho ngư dân trên địa bàn nắm vững những quy định của pháp luật về hoạt động khai thác hải sản như: Quy định về vùng đánh bắt, công suất tàu cá được phép hoạt động tại các vùng, phương pháp, loại nghề khai thác. Danh mục các loài thủy sản, ngư lưới cụ cấm đánh bắt hoặc hạn chế sử dụng trên từng tuyến. Tham mưu cho chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ, vận động ngư dân chuyển đổi ngành nghề đối với một số loại hình đánh bắt có tính chất hủy diệt không được Nhà nước khuyến khích đầu tư.
BĐBP ngăn chặn tình trạng khai thác trai tai tượng khổng lồ - loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: K.Toàn |
Đại úy Đỗ Tài Năng - Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Đông cho biết: Đơn vị thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển, nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trên địa bàn đơn vị đóng quân. Đối với ngư dân, đơn vị đã phối hợp với ngành tài nguyên, môi trường, chính quyền địa phương tổ chức các đợt truyền thông, quán triệt các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực thủy sản để ngư dân nắm và cùng với các ngành đoàn thể bảo vệ tài nguyên, môi trường biển đảo. Đơn vị tập trung vào công tác vận động ngư dân không được đánh thuốc nổ, không sử dụng xung điện, tham gia đánh bắt đúng ngành nghề và vùng biển theo quy định của Nhà nước.
Bên cạnh đó, BĐBP cũng đã triển khai lực lượng, phương tiện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cửa sông, cửa lạch. Tổ chức tuần tra trên biển để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc đánh bắt hải sản; sử dụng tàu cá có công suất lớn, ngư cụ đánh bắt mang tính chất tận diệt để khai thác hải sản ven bờ. Tiến hành xác minh, điều tra, bắt nhiều đối tượng trong đường dây mua bán, vận chuyển chất nổ cung cấp cho ngư dân, mua bán san hô đen và mua bán các loại thủy sinh quý hiếm.
Là người trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát tại cửa sông, cửa lạch, thiếu úy Nguyễn Minh Hùng - Trạm trưởng Trạm kiểm soát Sa Cần cho biết: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị đã thực hiện đúng quy trình 5 kiểm 1 chứng theo quy định. Đối với các phương tiện trước khi hành nghề, cán bộ trạm trực tiếp xuống kiểm tra, kiểm soát không để ngư dân mang theo vật liệu nổ, các chất kích thích sử dụng đánh bắt phá hoại nguồn lợi thủy sản. Cùng với công tác tuyên truyền, kiểm tra kiểm soát là thực hiện nghiêm các chế tài theo quy định của pháp luật để răn đe và tiến tới loại bỏ các hành vi xâm hại môi trường tài nguyên biển.
Qua công tác tuyên truyền và áp dụng các chế tài theo quy định của pháp luật, đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái biển. Tình trạng sử dụng chất nổ khai thác hải sản và thực hiện các hành vi xâm hại đến nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến tài nguyên, môi trường biển dần được hạn chế, ngư dân đã từng bước chuyển đổi ngành nghề khai thác hải sản theo hướng bền vững và thân thiện với đại dương.
Ông Phạm Bé, thuyền trưởng tàu QNg 95868TS (Bình Chánh, Bình Sơn) chia sẻ: Qua thông tin tuyên truyền của BĐBP, ngư dân chúng tôi ngày càng nhận thức tác hại của việc khai thác hải sản bừa bãi, thiếu tính khoa học. Vì vậy, thông qua các tổ đội đánh bắt trên biển, chúng tôi liên kết lại với nhau và thống nhất tổ chức việc khai thác đúng ngành nghề, đúng tuyến. Tuyệt đối không dùng những chất kích thích hay là thuốc nổ, bởi đó là nguồn hủy diệt môi trường lớn nhất.
Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 130km bờ biển, có số lượng lớn ngư dân hành nghề khai thác hải sản trên biển cũng tương đối nhiều. Vì vậy, việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đồng thời áp dụng chặt chẽ các chế tài, nhằm đảm bảo vừa khai thác, vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế biển của Đảng, Nhà nước ta.
K.TOÀN-X.THIÊN