(Báo Quảng Ngãi)- Đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, Quảng Ngãi có 90 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Phát triển được nhiều sản phẩm, nhưng toàn tỉnh mới chỉ có 9 cửa hàng bán sản phẩm OCOP. Trong khi đó, đây là “kênh” quan trọng để quảng bá, lan tỏa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng.
[links()]
Thời gian qua, các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng tạo được dấu ấn đối với người tiêu dùng nhờ được các cấp, ngành, địa phương tăng cường giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các hội nghị xúc tiến thương mại, trên các sàn thương mại điện tử... Song, tại nhiều địa phương, khi cần mua trực tiếp, người dân vẫn loay hoay trong việc tìm địa điểm bày bán sản phẩm OCOP.
Phát triển được 90 sản phẩm OCOP, nhưng toàn tỉnh mới chỉ có 9 cửa hàng bày bán sản phẩm OCOP, ở các địa phương: Thành phố Quảng Ngãi, TX.Đức Phổ, Mộ Đức, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Minh Long. Trong đó, TP.Quảng Ngãi có 4 cửa hàng, các địa phương còn lại, mỗi địa phương chỉ có 1 cửa hàng bày bán sản phẩm OCOP. Tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, địa điểm du lịch, các địa điểm dừng chân trên Quốc lộ... sản phẩm OCOP dường như “vắng bóng”. Với số lượng địa điểm bày bán sản phẩm OCOP ít ỏi như vậy, rất khó để người tiêu dùng tiếp cận được với sản phẩm OCOP. Trong khi đó, trên thị trường hiện nay, nhiều sản phẩm cùng ngành hàng với các sản phẩm OCOP được nhà sản xuất và phân phối đầu tư rất nhiều cho các hoạt động nghiên cứu thị trường, quảng cáo, khuyến mãi, chăm sóc khách hàng và chọn điểm bán ở những vị trí đắc địa.
Trong thời gian đến, để các thương hiệu OCOP được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, các cấp, ngành, địa phương và chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP cần chú trọng hơn nữa công tác mở rộng mạng lưới phân phối. Thiết nghĩ, là Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thì ít ra, mỗi xã phải có một địa điểm bán sản phẩm OCOP. Đó có thể là cửa hàng bày bán sản phẩm OCOP chuyên biệt, hoặc cũng có thể là cửa hàng có lồng ghép gian hàng trưng bày, bày bán sản phẩm OCOP. Để làm được điều đó, bên cạnh việc mở ra các cửa hàng chuyên bày bán sản phẩm OCOP, các địa phương phải tính đến những “địa chỉ” có nhiều khách hàng tiềm năng như chợ truyền thống, địa điểm du lịch...
Trên thực tế, tại một số địa phương trong cả nước, nhiều địa điểm du lịch, dịch vụ, thương mại sầm uất, đông người qua lại, đều được các địa phương này chọn làm nơi đầu tư cửa hàng quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tại tỉnh Trà Vinh, các địa điểm du lịch như: Khu du lịch cộng đồng Cồn Chim, Khu du lịch biển Ba Động, Khu di tích Ao Bà Om đều có cửa hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.
Tại tỉnh Quảng Ninh, cửa hàng bày bán sản phẩm OCOP trong khuôn viên siêu thị GO!, ở TP.Hạ Long bày bán 100 loại sản phẩm OCOP, với không chỉ sản phẩm OCOP của tỉnh, mà còn là sản phẩm OCOP chất lượng của các tỉnh, thành phố khác... Được bày bán ở những địa điểm có nhiều lợi thế này sẽ giúp sản phẩm OCOP thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng, qua đó, nâng cao hiệu quả quảng bá và tạo sự lan tỏa cho sản phẩm.
Quảng Ngãi có thể tham khảo những cách làm hiệu quả này, để có giải pháp triển khai phù hợp với tỉnh, qua đó giúp sản phẩm OCOP ngày càng vươn xa và phát triển bền vững.
Ý THU