(Báo Quảng Ngãi)- Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, giá nhiên liệu và các loại vật tư nông nghiệp tăng cao, năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh nỗ lực phục hồi, tăng trưởng theo hướng xanh, ổn định và bền vững.
[links()]
Chuyển dịch đúng hướng
“Từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi đã tăng nhanh về diện tích, tổng đàn, năng suất, sản lượng, chất lượng cũng như giá trị sản phẩm. Qua đó, giúp ngành nông nghiệp phục hồi nhanh, tăng trưởng ổn định với tốc độ bình quân 3,5%/năm; tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp ước đạt gần 18,3 nghìn tỷ đồng; tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chuyển dịch đúng theo hướng giảm dần trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương khẳng định.
Tuy gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhưng lĩnh vực trồng trọt vẫn đảm bảo tăng trưởng. |
Năm 2022, toàn ngành đã chuyển đổi 672,6ha đất trồng lúa kém hiệu quả và trên 583ha đất trồng mì sang trồng cây hằng năm khác. Xây dựng 105 cánh đồng lớn, với tổng diện tích gần 1.872ha, tăng 43 cánh đồng (gần 974ha) so với kế hoạch. Qua đó đã góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn quả, rau, lúa chất lượng cao. Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt gần 268,8 nghìn tấn; thủy sản nuôi trồng ước đạt 9.650 tấn (diện tích nuôi đạt trên 1.414ha). Trồng mới rừng tập trung trên 28,5 nghìn héc ta, đạt hơn 117% kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,75%; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng ước đạt trên 2,25 triệu mét khối. Riêng lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, có 97% hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trong đó có 60% hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn Việt Nam...
Song hành với chuyển dịch cơ cấu, ngành nông nghiệp cũng tranh thủ các nguồn lực và lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án để tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng nông thôn, sản xuất, các công trình thủy lợi. Qua đó thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ và chế biến sâu, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.
Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Tiến Đạt (Tư Nghĩa) Nguyễn Văn Sáng cho biết, dịch bệnh liên tục bùng phát nên ngành chăn nuôi trong nước chuyển dịch theo hướng giảm số lượng, tăng năng suất và chất lượng. Vậy nên, thay vì tăng quy mô đàn heo, bò, chúng tôi tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, như: Hệ thống chuồng lạnh, các khâu chăm sóc được tự động và bán tự động qua phần mềm vi tính... nhằm hạn chế dịch bệnh. Công ty hiện nuôi 300 con heo nái sinh sản, 100 con bò thịt và 3.000 con heo thịt, trong đó có 500 con heo thịt được liên kết với các hộ dân.
Thúc đẩy tăng trưởng xanh
Mặc dù ngành nông nghiệp đạt được kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức do biến động giá nhiên liệu, chi phí sản xuất tăng cao. Bên cạnh đó, việc thực thi các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn ở một số địa phương còn chậm. Điều này dẫn đến sản lượng và quy mô còn hạn chế; chất lượng nông, lâm, thủy sản chưa đồng đều, giá trị cạnh tranh thấp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đánh giá, một trong những điểm nghẽn lớn nhất của ngành nông nghiệp chính là chưa định vị được thương hiệu sản phẩm của từng lĩnh vực. Như khai thác hải sản, dù lợi nhuận cao, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành nhưng sản xuất bấp bênh, giá trị cạnh tranh thấp do chịu sức ép của giá nhiên liệu, lao động đi biển và giá trị sản phẩm thấp do chưa chế biến sâu, chỉ bán thô. Trong khi đó, khu vực nuôi trồng lại chưa tạo được sự đột phá. Dù diện tích nuôi trồng thủy sản tăng, năng suất và sản lượng tăng qua từng năm nhưng lại bị động đầu vào, từ con giống, thức ăn đến tiêu thụ.
Trong khi đó, Kế hoạch hành động của ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 đề ra các mục tiêu chính: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp từ 3,5 - 4%/năm; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất, nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; gia tăng tỷ lệ che phủ rừng; tăng cường chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 2%... Vì vậy, ngành nông nghiệp tập trung áp dụng và mở rộng quy mô thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh. Chuyển đổi phương thức sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, tiến tới hình thành vùng trọng điểm gắn với bảo vệ môi trường, an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu, việc phát triển lĩnh vực nông nghiệp không thể thiếu sự đồng hành của DN và người dân. Do đó, ngành nông nghiệp cần tăng cường hỗ trợ các DN và hộ gia đình đổi mới công nghệ, trang thiết bị để giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu suất sản xuất và phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, đơn vị phát triển thị trường cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất theo hướng “tiêu dùng xanh”. Tăng cường kết nối và hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư và sản xuất; hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại... Phát triển chuỗi giá trị “nông sản xanh” đối với các ngành hàng chủ lực, gắn với việc dán nhãn truy xuất nguồn gốc các loại nông sản, đặc sản, nhất là các sản phẩm từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, giai đoạn 2021 - 2030 đề ra mục tiêu: Tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc BVTV sinh học trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng lên hơn 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước... Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ chủ động, tăng cường hợp tác và chuyển giao công nghệ về phát triển nông nghiệp xanh, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản.
|
Bài, ảnh:
MỸ HOA