(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2022, mặc dù kinh tế thế giới phục hồi chậm, song với những nỗ lực của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong tỉnh, cùng với những cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, xuất khẩu của Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
[links()]
Động lực xuất khẩu
Theo báo cáo của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2022 của tỉnh đạt khoảng 1,960 tỷ USD, tăng 40% so cùng kỳ năm 2021, đạt 105% kế hoạch năm 2022. Ước tính kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 đạt 2,21 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước và vượt 18,8% kế hoạch năm.
Theo phân tích từ Sở Công thương, nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu tăng là nhờ các DN đã tận dụng tốt các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới. Các FTA này trong năm 2022 đã được thực thi một cách toàn diện, hiệu quả hơn, nhất là Hiệp định Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Đây chính là động lực để các DN của tỉnh tăng giá trị xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh, các sản phẩm mới. Nhiều DN không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tàu hàng mang quốc tịch Mỹ vào cảng nước sâu Dung Quất vận chuyển hàng hóa xuất khẩu. |
Nắm bắt cơ hội
Hiện tại, nhiều DN có đủ tiềm lực đã chủ động tiếp cận các FTA, đặc biệt là các hiệp định RCEP, UKVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Anh) để tìm kiếm cơ hội, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu. Giải pháp này vừa mang lại những giá trị kinh tế lớn cho DN, vừa tăng khả năng phòng vệ trước xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, giảm thiểu rủi ro trong hợp tác xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, DN ở Quảng Ngãi chủ yếu là DN vừa và nhỏ, khả năng tự tiếp cận những FTA còn nhiều khó khăn và không ít DN đã phải chia sẻ lợi ích kinh tế do thiếu năng lực, phải xuất khẩu sản phẩm qua trung gian.
Dây chuyền sản xuất vải sợi xuất khẩu của Công ty TNHH Tân Mahang Việt Nam (KCN VSIP Quảng Ngãi). |
Thạc sĩ Nguyễn Diễn, chuyên gia đến từ VCCI - Chi nhánh TP.Đà Nẵng cho rằng, đối với Hiệp định UKVFTA, ngoài hiểu cơ bản những ưu đãi về thuế quan, thì DN cần nắm rõ về địa lý, dân cư và các dự án mà Vương quốc Anh đang triển khai thực hiện tại Việt Nam. Đồng thời, phải biết được những mặt hàng mà Vương quốc Anh nhập khẩu để xúc tiến thương mại hiệu quả... Hiện nay, bên cạnh lộ trình giảm thuế, Vương quốc Anh còn dành cho Việt Nam ưu đãi thuế nhập khẩu 0% như trứng, gạo, tinh bột mì, cá ngừ, đường, Ethanol. Nắm bắt được những chính sách này, DN sẽ tập trung tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường để xuất khẩu, giúp sản phẩm của DN đạt giá trị lớn trong kinh doanh.
Riêng đối với Hiệp định RCEP, với các đối tác hiện nay là Brunei, Malaysia, Singapore, Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand, Australia, DN cần tìm hiểu nắm bắt được những nội dung chính trong hiệp định. Hàng hóa xuất khẩu sang các nước này được cam kết hải quan thuận lợi, tiêu chuẩn kỹ thuật khá thông thoáng, nhưng để được cắt giảm thuế quan, cần phải tuân thủ đầy đủ các quy tắc, đặc biệt là xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, DN cần phải hiểu rõ các quy định về phòng vệ thương mại và những cam kết quốc tế của Việt Nam về lĩnh vực logistics.
Bài, ảnh:
T.NHỊ