(Báo Quảng Ngãi)- Xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ) nổi tiếng với nghề câu cá ngừ đại dương. Có thời điểm, có những ngư dân sở hữu 5 - 10 chiếc tàu công suất lớn, đánh bắt hiệu quả. Thế nhưng, hiện nay, nghề câu cá ngừ của ngư dân nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn.
[links()]
“Vua tàu” cũng lao đao
Cách đây chừng 3 năm, ngư dân Nguyễn Văn Tình, ở thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu được mệnh danh là “vua tàu”, vì sở hữu đội tàu hùng mạnh nhất nhì làng chài với 9 chiếc tàu công suất lớn chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương. Có những chuyến ra khơi, đội tàu của anh Tình thu về hàng tỷ đồng, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động. Thế nhưng, sau nhiều năm bươn chải với sóng biển ở quần đảo Trường Sa, hoạt động đánh bắt của đội tàu hùng mạnh ngày nào đã giảm sút, khi mọi chi phí đều tăng lên. Nhận thấy nghề câu cá ngừ đại dương không còn hưng thịnh như trước, anh Tình đã chuyển nhượng dần những chiếc tàu của mình cho người khác để thu hồi vốn.
Ngư dân xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ) cập cảng cá Trường Xuân, xã Tam Quan Bắc (Bình Định) để bán cá. Ảnh: H.H |
Không chỉ anh Tình, ông Mai Xuân Thủy, một người khá nổi tiếng trong nghề câu cá ngừ đại dương ở xã Phổ Châu nay cũng đã nghỉ đi biển. Đội tàu lên đến chục chiếc của ông cũng đã chuyển nhượng hết cho con cái, hoặc người thân mỗi người một chiếc. “Bây giờ làm nghề biển khó quá, đi biển 5 chuyến thì 2 chuyến lỗ tổn, 3 chuyến còn lại hòa vốn hoặc lãi ít. Cứ cái đà này, ngư dân hành nghề câu cá ngừ đại dương ở xã Phổ Châu sẽ không còn nhiều người bám nghề và cũng không còn những đội tàu hùng mạnh như trước đây nữa”, ông Thủy trăn trở.
Chật vật bám nghề
Ngư dân hành nghề câu cá ngừ đại dương hoạt động quanh năm và chỉ nghỉ những ngày biển động hoặc ngày trăng lên. Theo đó, mỗi tàu đi từ 8 - 9 chuyến/năm. Tuy nhiên, năm nay, đa số các tàu chỉ đi 4 - 5 chuyến, còn lại nằm bờ. Một số chủ tàu tranh thủ đưa tàu lên các triền đà ở tỉnh Bình Định để làm nước, sơn sửa lại tàu, chờ đợi những phiên biển thuận lợi hơn.
Theo ngư dân, tuy không thuận lợi về cảng neo đậu cũng như nơi tiêu thụ bằng các đội tàu của tỉnh Bình Định hay tỉnh Phú Yên, nhưng nghề câu cá ngừ đại dương ở xã Phổ Châu đã giúp cho hàng trăm gia đình có cuộc sống khấm khá. Song những năm gần đây, nghề câu cá ngừ đã không còn thịnh như trước. Đặc biệt, năm 2021, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tàu nằm bờ, sản lượng đánh bắt hải sản toàn xã chỉ đạt 2.555 tấn. Còn từ đầu năm 2022 đến nay, giá nguyên liệu tăng, mỗi chuyến ra khơi, chủ tàu phải chịu phí tổn lớn nhưng sản lượng đánh bắt đã giảm từ 30 - 50% so với trước nên đa số các tàu khai thác đều lỗ. Ngư dân hành nghề câu cá ngừ đại dương đang chật vật bám nghề, bám biển.
Chủ tịch UBND xã Phổ Châu Lê Văn Thái cho biết, không như những vùng biển khác trong tỉnh, người dân ở làng chài Phổ Châu từ lâu đã gắn bó với nghề câu cá ngừ đại dương và xem nó như một nghề truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, sau ảnh hưởng của dịch bệnh thì giá dầu, chi phí cho mỗi chuyến biển tăng cao trong khi nguồn lợi thủy sản cạn kiệt nên ngư dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, số lượng tàu nằm bờ rất nhiều. Vì vậy, xã rất mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ các chính sách để ngư dân hành nghề câu cá ngừ đại dương vượt qua khó khăn, yên tâm vươn khơi bám biển, giữ nghề truyền thống.
Có 132 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương
Xã Phổ Châu hiện có 177 tàu cá, với tổng công suất trên 91,3 nghìn mã lực (CV). Trong đó, tàu từ 90CV trở lên có 132 chiếc, công suất trên 90,9 nghìn CV; tàu dưới 90CV có 45 chiếc, công suất 360CV. Tàu đánh bắt cá ngừ đại dương là 132 chiếc (130 tàu câu tay, 2 tàu lưới rê). Năm 2022, sản lượng đánh bắt hải sản toàn xã ước đạt trên 8.500 tấn.
|
HỒNG HOA