(Báo Quảng Ngãi)- Một số doanh nghiệp (DN) lớn có lẽ vì hay nghĩ “chuyện lớn” trong kinh doanh mà quên một điều: Chính những chi tiết nhỏ trong sản phẩm sẽ góp phần không nhỏ làm nên thương hiệu của sản phẩm, tức cũng là góp phần làm nên thương hiệu của DN.
[links()]
Đơn cử, có DN sản xuất nước uống đóng chai đã có tuổi đời gần 30 năm, sản phẩm đã bán ra nhiều nơi, nhưng nhiều khách hàng khi mua sản phẩm nước uống đóng chai đã kêu ca vì khó mở nút chai. Trong khi đó, cùng một loại sản phẩm, nhưng có những DN làm nước uống đóng chai mẫu mã bắt mắt và quan trọng hơn, khách hàng mỗi khi mở nút chai đều rất dễ dàng. Nói như cô cháu tôi là “chỉ cần vặn nhẹ là cái nút mở nhẹ nhàng”.
Sản phẩm hàng Việt được thiết kế bao bì bắt mắt nhằm tạo ấn tượng cho khách hàng. Ảnh: PV |
Ngay từ đầu thế kỷ XX, những nhà kinh doanh người Việt khi đứng ra khởi nghiệp, phải làm ăn trong chế độ thực dân thuộc địa, chịu rất nhiều chèn ép từ bốn phía, nhưng họ vẫn thành công, chính nhờ họ luôn quan tâm tới những ‘chuyện nhỏ” trong việc xây dựng thương hiệu. Ông Bạch Thái Bưởi sở dĩ thành công khi mở giao thông đường thủy, phải cạnh tranh gay gắt với những DN Hoa kiều trên cùng tuyến đường, nhưng ông đã thành công, nhờ biết quan tâm tới hai chữ “đồng bào”. Đó là quan tâm tới khách đi tàu thuyền là người Việt mình. Đồng bào mình, khi thấy ông Bạch Thái Bưởi bán vé tàu thuyền giá rẻ, lại luôn chăm sóc khách hàng vì họ là “đồng bào” với mình, tự nhiên khách hàng người Việt cảm động, chọn mua vé tàu thuyền của ông Bạch Thái Bưởi. Một cách quảng bá nhẹ nhàng, mà vẫn thành công, thật là một bài học quý cho tất cả DN người Việt bây giờ.
Không lơ là những “chuyện nhỏ”, biết vì khách hàng trước tiên, phục vụ khách hàng bằng chính độ tin cậy của sản phẩm, đó là cách làm thương hiệu tốt nhất. Khi khách hàng đã chọn mình, đã thành khách quen, thậm chí khách ruột của mình, thì đừng để họ bỏ mình vì những “chuyện nhỏ” mà mình hoàn toàn có thể khắc phục được.
THANH THẢO