Toàn tỉnh chỉ có 2,5% diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững

07:08, 20/08/2021
.
(Baoquangngai.vn) - Chiều 20/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp bàn giải pháp tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
 
Diện tích rừng trồng sản toàn tỉnh hiện có 193.758 ha, chiếm 58% diện tích rừng hiện có. Loài cây trồng là keo lai, mật độ trồng quá dày từ 4.000-5.000 cây/ha; chi phí trồng, chăm sóc khoảng 30-35 triệu đồng/ha/chu kỳ.
 
Diện tích khai thác hằng năm khoảng 35-40 nghìn ha. Chu kỳ khai thác rừng trồng hộ gia đình chỉ từ 4-5 năm/chu kỳ. Giá trị lợi nhuận sau khai thác chỉ đạt khoảng 40-50 triệu đồng/ha/chu kỳ.
 
Rừng trồng chủ yếu để sản xuất dăm gỗ. Ngành công nghiệp chế biến gỗ như ván ghép thanh, ván lạng, viên nén, các sản phẩm nội ngoại thất… có giá trị gia tăng cao nhưng chiếm tỷ lệ còn thấp.
 
Hiện nay, chưa có sự liên kết giữa chủ rừng với doanh nghiệp chế biến, chủ yếu mua bán keo theo quy luật của thị trường. Số nhà máy chế biến dăm quá nhiều, nhưng chưa có sự liên kết vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu chỉ đạo cuộc họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu chỉ đạo cuộc họp.
 
Đến năm 2021, toàn tỉnh chỉ có hơn 2.987 ha, bằng 2,5%/tổng diện tích rừng trồng được cấp chứng quản lý rừng bền vững (FSC). Diện tích này là quá nhỏ so với diện tích rừng của tỉnh.
 
Mục tiêu đến năm 2025, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC đạt từ 10-20 nghìn ha rừng trồng sản xuất, chiếm 17% tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh. 
 
Tại cuộc họp, các doanh nghiệp đề xuất giải pháp liên kết tạo vùng nguyên liệu gắn với cấp chứng chỉ FSC.
 
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chỉ đạo Sở NN&PTNT xây dựng đề án liên kết trồng rừng gỗ lớn để đẩy mạnh phát triển rừng theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả trồng rừng, tăng thu nhập cho người trồng rừng.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải tuyên truyền, vận động tập hợp người dân liên kết, trồng rừng tạo vùng nguyên liệu liền thửa, liền vùng để tiến đến thành lập HTX. Phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có từ 15-20% diện tích rừng trồng toàn tỉnh theo mô hình liên kết và được cấp chứng chỉ FSC. 
 
Nhanh chóng xây dựng chính sách và chiến lược thị trường lâm sản, trong đó quan tâm đến thị trường gỗ rừng trồng và các loại lâm sản ngoài gỗ. Doanh nghiệp, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, nghiên cứu tìm hiểu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng để sản xuất những sản phẩm thích hợp nhằm chiếm lĩnh thị trường và thu lợi nhuận cao. 
 
Nghiên cứu để tìm ra chính sách tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp cho người dân, chú trọng sản phẩm từ rừng trồng và vận động, khuyến khích người dân trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng ra thị trường nước ngoài.
 
Tin, ảnh: ÁI KIỀU
 

.