Khắc phục kênh mương, hệ thống thủy lợi: Chạy đua với thời gian

08:12, 09/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mưa, lũ đã làm hư hỏng 124 hồ chứa, đập dâng; trên 40km kênh mương bị sạt lở, bồi lấp, nước cuốn trôi... Hiện các địa phương, đơn vị và người dân đang tích cực triển khai công tác khắc phục, đảm bảo dẫn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021.
[links()]
Hợp sức vét kênh, sửa đập
 
“Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng tôi huy động tất cả lực lượng và phương tiện để đẩy nhanh tiến độ nạo vét, sửa chữa các tuyến kênh mương chính bị hư hỏng nặng; cũng như gia cố tạm thời các trạm bơm, đập dâng và nhà quản lý, điều hành, đảm bảo việc mở nước phục vụ sản xuất đúng kế hoạch”, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi (Công ty Khai thác CTTL Quảng Ngãi) Hà Thế Vinh cho biết. 
 
Người dân sử dụng cọc tre để gia cố tạm các điểm sạt lở, hư hỏng.  Trong ảnh: Tuyến kè dọc sông Thoa, đoạn qua phường Phổ Minh (TX.Đức Phổ) được gia cố tạm bằng phên tre.
Người dân sử dụng cọc tre để gia cố tạm các điểm sạt lở, hư hỏng. Trong ảnh: Tuyến kè dọc sông Thoa, đoạn qua phường Phổ Minh (TX.Đức Phổ) được gia cố tạm bằng phên tre.
 
Các tuyến kênh B10 đoạn qua xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), hay kênh chính Nam sông Vệ, đoạn qua xã Phổ Phong và Phổ Thuận (TX.Đức Phổ)... bị vỡ bờ, sạt lở mái ngoài, với tổng chiều dài gần 6,5km, lòng kênh bị bồi lấp với khối lượng đất, đá gần 10.000m3. Chính vì vậy, ngay khi thời tiết thuận lợi, Công ty Khai thác CTTL Quảng Ngãi đã bố trí nhân lực và máy móc tập trung nạo nét và thu dọn đất, đá và bê tông đổ dưới lòng kênh.
 
Hay như công tác khắc phục tuyến kênh chính Núi Ngang, đoạn qua xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ) và xã Đức Lân (Mộ Đức), hiện cũng diễn ra khẩn trương. Với 5,6km kênh hư hỏng và sạt mái trong, hơn 3.500m3 đất, đá bồi lấp lòng kênh, cộng với lượng cây đổ ngã quá nhiều, nên Công ty Khai thác CTTL Quảng Ngãi phải vừa huy động nguồn nhân lực tại chỗ, vừa tranh thủ sự hỗ trợ của người dân và chính quyền địa phương, nhằm hợp sức đẩy nhanh tiến độ.
 
Cùng với Công ty Khai thác CTTL Quảng Ngãi, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang nỗ lực triển khai công tác khắc phục hệ thống kênh mương thủy lợi bị thiệt hại do mưa, lũ. Tại phường Phổ Minh (TX.Đức Phổ), các tuyến đê, kè chống sạt lở, ngăn mặn dọc tuyến sông Trường, sông Thoa và sông Rớ bị sóng đánh vỡ, gây sạt lở gần 1km.
 
Trong đó, hơn 450m đê đoạn kè dọc tuyến sông Thoa bị vỡ hoàn toàn; hơn 500m tuyến đê kè dọc hai sông Trường, sông Rớ bị sóng đánh, phá vỡ các khối đất, đá, kè bê - tông và tạo thành những hố sâu. “Tuyến đê, kè này bị vỡ, sạt lở nặng, nên khoảng 65ha đất sản xuất lúa, hoa màu có nguy cơ thiếu nước, thậm chí bị xâm nhập mặn. Vì vậy, địa phương huy động nhân dân dùng phên tre, đắp đất gia cố tạm thời, để ngăn mặn giữ ngọt”, Chủ tịch UBND phường Phổ Minh Võ Tấn Điệp cho hay.
 
Tuyến đê ngăn mặn Bàu Nú, thôn Châu Me, xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ) cũng bị hư hỏng hoàn toàn hơn 60m, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho hơn 65ha đất sản xuất nông nghiệp, cũng như cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.500 hộ dân ở hai thôn Châu Me và Tấn Lộc. “Lo ngại nước sinh hoạt bị xâm nhập mặn, nên chính quyền địa phương đã huy động nhân dân ra quân nạo vét, gia cố tạm thời tuyến đê. Về lâu dài, chúng tôi mong cấp trên quan tâm sửa chữa kiên cố, giúp người dân ổn định cuộc sống và sản xuất”, Chủ tịch UBND xã Phổ Châu Huỳnh Văn Quang thông tin.
 
Tại Hội nghị thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp miền Trung sau thiên tai, ngày 27.11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu: “Bão, lũ làm hư hỏng nghiêm trọng hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi ở 6 tỉnh miền Trung (trong đó có Quảng Ngãi). Chính vì vậy, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương để triển khai phương án khắc phục. Sắp đến, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế, đánh giá cụ thể mức độ thiệt hại. Qua đó sẽ đưa ra các giải pháp khắc phục tổng thể, phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn kinh phí”.
Cần được tiếp sức
 
Mưa, lũ đã làm gần 38km kênh mương, 11 công trình thủy lợi, đập, 25 nhà quản lý điều hành, 14 thiết bị máy móc... do Công ty Khai thác CTTL Quảng Ngãi quản lý bị hư hỏng nghiêm trọng; ước tổng thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Ngoài ra, phần lớn các tuyến kênh chính, như: Kênh chính Nam, kênh chính Bắc (công trình thủy lợi Thạch Nham), kênh chính Liệt Sơn, kênh N6 Liệt Sơn, kênh B62, N10-4, kênh chính Núi Ngang, kênh B10... không chỉ bị sạt lở mái, mà lòng kênh còn bị bồi lấp với khối lượng đất, đá khá lớn (gần 43 nghìn mét khối đất và 839 mét khối đá).  
 
Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi đẩy nhanh tiến độ khắc phục các tuyến kênh chính Nam sông Vệ.
Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi đẩy nhanh tiến độ khắc phục các tuyến kênh chính Nam sông Vệ.
 
Để hỗ trợ Công ty Khai thác CTTL Quảng Ngãi khắc phục hậu quả thiên tai, Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh đã hỗ trợ 500 triệu đồng, giúp đơn vị kịp thời khắc phục tạm thời các tuyến kênh chính bị hư hỏng nặng... đảm bảo ngày 5.12 sẽ mở nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021. “Khó khăn nhất hiện nay là lượng công trình hư hỏng lớn, mức độ thiệt hại nặng, cộng với lượng cây cối của người dân ngã đổ xuống kênh quá nhiều. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong chính quyền các địa phương hỗ trợ huy động nhân dân khẩn trương thu dọn cây cối ngã đổ, tạo điều kiện để đơn vị đẩy nhanh tiến độ nạo vét lòng kênh và sửa chữa, gia cố những vị trí xung yếu”, ông Vinh nói.  
 
Trong khi đó, mưa, lũ cũng làm 10 trạm bơm, hơn 23km kênh bê tông nội đồng trên địa bàn huyện Nghĩa Hành bị hư hỏng, sạt lở và bồi lấp nghiêm trọng. Ước thiệt hại trên 14 tỷ đồng. Vì vậy, huyện Nghĩa Hành đã chỉ đạo các địa phương tập trung huy động lực lượng, tổ chức thu dọn rác thải, nạo vét các tuyến kênh mương bị bồi lấp, sửa chữa khắc phục tạm thời một số công trình bị hư hỏng. “Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo các địa phương và đơn vị liên quan tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể mức độ thiệt hại của những tuyến kênh, công trình thủy lợi bị hư hỏng. Trên cơ sở đó thống kê số diện tích sản xuất lúa có nguy cơ bị ảnh hưởng, để có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng cho biết.
 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mậu Văn cho biết: Trước mắt, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương huy động các nguồn lực và ngày công của người dân tổ chức sửa chữa kênh, đắp tạm đập, gia cố kè để dẫn nước phục vụ sản xuất đông xuân sắp đến. Về lâu dài, những công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương hư hỏng nặng cần được sửa chữa, nâng cấp kiên cố, để đảm bảo năng lực tưới tiêu. Sở NN&PTNT sẽ tổng hợp danh mục, báo cáo UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT trình Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí.   
 
Bài, ảnh: M.HOA - Đ.DIỆU
 
 

.