Kiến tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển bền vững

10:12, 06/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào quá trình tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến sự phát triển của DN.
 
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái cho rằng, với vai trò chủ thể quản lý, chính quyền địa phương cần có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi để DN có điều kiện, cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với yêu cầu của bối cảnh mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
PV: Xin bà cho biết thực trạng các DN trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
 
Bà Trần Thị Mỹ Ái: Toàn tỉnh hiện có khoảng 7.000 DN đang hoạt động. Bình quân có khoảng 5,4 DN hoạt động/1.000 dân, thấp hơn trung bình của cả nước (7,9 doanh nghiệp/1.000 dân), so với 1.000 dân trong độ tuổi lao động thì chỉ số này là 8,9 DN/1.000 dân (cả nước là 15,4 DN/1.000 dân). Về quy mô lao động, có hơn 97% DN của tỉnh có quy mô lao động siêu nhỏ và nhỏ. Trong số 7.000 DN trên toàn tỉnh, chỉ có 8 DN có quy mô lao động từ 200 - 300 người và 38 DN có quy mô lao động từ 300 người trở lên. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 10.000 hộ kinh doanh đang hoạt động có nộp thuế. Tuy nhiên, hộ kinh doanh còn nhiều hạn chế về năng lực sản xuất, kinh doanh, trình độ quản lý, ứng dụng kỹ thuật công nghệ, đóng góp cho ngân sách nhà nước còn thấp. 
Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc đào tạo nguồn lực lao động có chất lượng.
Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc đào tạo nguồn lực lao động có chất lượng.
Trong thực tiễn hoạt động, cộng đồng DN của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do tác động từ yếu tố khách quan và chủ quan, ảnh hưởng đến sự phát triển của DN. Trong đó, có yếu tố xuất phát từ những vướng mắc về thể chế, chính sách, thủ tục hành chính; khả năng tiếp cận nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh; liên kết giữa các DN còn yếu...
 
Trong 5 giai đoạn phát triển của DN sau khi được “khai sinh” (sinh tồn - kiếm sống - phát triển - cất cánh - thu hoạch) và trong chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa của DN có nhiều giai đoạn, nhiều khâu chịu sự quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, một phần hoạt động này đã làm ảnh hưởng, gây khó khăn, cản trở sự phát triển của DN, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả hỗ trợ của Nhà nước đối với DN. Theo số liệu Báo cáo PCI 2019, điểm số chỉ số chi phí không chính thức của Quảng Ngãi là 5,93 điểm, xếp vị trí thứ 54/63 tỉnh, thành phố cả nước. Đối với chỉ số về chi phí thời gian, có đến 12% DN cho rằng nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp (số cao nhất của cả nước là 19%); số giờ trung bình cho mỗi cuộc làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế là 40 giờ, cao nhất cả nước (trung bình cả nước là 19,5 giờ), cho thấy DN tỉnh phải mất nhiều thời gian để làm việc với các cơ quan chức năng.
 
PV: Thời gian qua, có nhiều DN gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, nguồn vốn, tuyển dụng lao động. Bà nhận định như thế nào về vấn đề này?
 
Bà Trần Thị Mỹ Ái: Đối với tiếp cận đất đai, cái khó đầu tiên mà các DN phải vượt qua đó là tiếp cận thông tin về quỹ đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương cũng như các dự án trên địa bàn tỉnh. Ngay cả với các DN đã có dự án, có đất trong tay thì cái khó vẫn chưa dừng lại, thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, cách tính giá đất hiện nay làm cho DN phải chờ đợi rất lâu. Điều này đồng nghĩa với cơ hội, với chi phí gia tăng, thậm chí là sự thành bại của một dự án.
Còn đối với việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đòi hỏi nhiều thủ tục, tốn thời gian, công sức, chi phí và thậm chí vượt quá năng lực của DN, nhất là các DN nhỏ và vừa. Khó tiếp cận vốn từ ngân hàng, nên các DN khó có điều kiện mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ; các DN khởi nghiệp khó khăn để bước vào thị trường.
 
Ngoài ra, theo kết quả khảo sát Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban ngành và địa phương (DDCI) năm 2019 cho thấy, có đến 33,1% DN cho biết gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động chuyên môn/kỹ thuật và 21,8% DN gặp khó trong tuyển dụng lao động phổ thông.
 
PV: Để thúc đẩy DN phát triển bền vững, vấn đề đặt ra hiện nay là gì?
 
Bà Trần Thị Mỹ Ái: Bên cạnh việc nâng cao vai trò quản lý nhà nước, cần chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển DN. Tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ hiểu và dễ tiếp cận. Giảm bớt gánh nặng về thanh, kiểm tra cho các DN, đặc biệt tránh tình trạng thanh tra trùng lặp, chồng chéo.
 
Đối với khối DN nhỏ và vừa, cần thiết kế các chính sách hỗ trợ phù hợp với các giai đoạn phát triển của DN và chuỗi giá trị hàng hóa, sản phẩm của DN. Như với giai đoạn mới thành lập và đi vào hoạt động, các chính sách hỗ trợ cần giúp các DN tiếp cận thuận lợi với các nguồn lực và cơ hội như tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, tìm kiếm khách hàng, nhà cung cấp và hỗ trợ về thủ tục hành chính. Quá trình xây dựng chính sách cần sự phối hợp hiệu quả giữa nhiều ngành, địa phương; tăng cường tham vấn cộng đồng DN nhằm nắm bắt kịp thời những mong muốn và nhu cầu thực sự của các DN, đối tượng thực hiện và thụ hưởng chính của những chính sách, pháp luật này.
 
Tỉnh cũng cần tập trung tạo kết nối, gặp gỡ giữa các nhóm DN như: Kết nối các kênh huy động vốn và với thị trường (DN- ngân hàng - hoạt động sản xuất, kinh doanh); giữa khu vực DN nhỏ và siêu nhỏ với các DN vừa và lớn; giữa DN phụ trợ trên địa bàn tỉnh với nhóm doanh nghiệp FDI... Ngoài ra, tạo điều kiện bình đẳng cho DN trong tiếp cận đất đai, tăng cường hỗ trợ DN trong tuyển dụng lao động; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm theo địa chỉ, đào tạo thông qua đặt hàng của DN.
 
PHẠM DANH 
(thực hiện)
 
 
 

.