Chuyển sản xuất hành, tỏi theo hướng bền vững

09:06, 12/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giá cát dùng để cải tạo đất trồng hành, tỏi liên tục tăng cao; việc khai thác cát san hô quá mức cũng gây ra những hệ lụy về môi trường biển... Điều đó buộc nông dân Lý Sơn chuyển hướng sản xuất hành, tỏi theo hướng bền vững.
Kiểm soát việc khai thác cát
 
Năm nay, gia đình ông Trương Đình Thành, ở thôn Tây, xã An Hải trồng khoảng một sào tỏi. Để cải tạo đất, ông Thành cần khoảng 3m3 cát trắng để trải lên bề mặt. Nếu như năm trước, lượng cát này ông Thành chỉ mua với giá 620.000 đồng, thì năm nay tăng lên 750.000 đồng. Theo lý giải của ông Thành và nhiều hộ dân trồng hành, tỏi, nguyên nhân giá cát tăng là do nguồn cát san hô gần bờ đã cạn kiệt. Các tàu phải ra xa bờ mới khai thác được cát, dẫn đến tốn nhiều thời gian, chi phí. 
 
Nông dân Lý Sơn trải lớp cát mới chuẩn bị trồng hành, tỏi.
Nông dân Lý Sơn trải lớp cát mới chuẩn bị trồng hành, tỏi.
 
Theo thống kê của Phòng TN&MT, ước tính khối lượng cát khai thác hằng năm ở Lý Sơn khoảng 5.000m3. Khu vực khai thác cách đường bờ biển khoảng 700 - 900m, có cấu tạo địa chất khá ổn định, có đường, bờ kè bảo vệ nên việc tác động đến sự ổn định của bờ biển là không đáng kể. Quá trình vận chuyển chủ yếu bằng bè và thuyền thúng vào bờ, không tác động nhiều đến san hô và cỏ biển. Khu vực khai thác cát biển nằm trong vùng quy hoạch mà UBND tỉnh cho phép...
 
Phó trưởng phòng TN&MT huyện Lý Sơn Nguyễn Thị Tuyết cho biết: Bất kỳ một dự án khai thác khoáng sản nào ít nhiều đều gây tác động đến môi trường. Trong năm 2019, UBND huyện đã cấp hai giấy phép khai thác khoáng sản cho hai tổ, đội khai thác cát biển. Đồng thời, yêu cầu các tổ, đội khai thác không vận chuyển, đổ cát trong vùng rạn san hô, cỏ biển; thực hiện khai thác đúng quy trình kỹ thuật và đúng ranh giới cho phép; khống chế trữ lượng và độ sâu khai thác, không khai thác tập trung lâu ngày tại một chỗ dễ tạo các hố xoáy đột biến; thực hiện cải tạo cảnh quan khu vực sau khai thác...
 
Chuyển hướng sản xuất mới
 
Nhận ra những bất cập trong việc trồng hành, tỏi truyền thống nhiều cát và đất bazan, nhiều người dân ở Lý Sơn đã tiên phong trồng tỏi mà không dùng hoặc ít dùng cát biển, tiêu biểu như anh Phạm Văn Công, ở xã An Vĩnh.
 
Anh Công chia sẻ: Mỗi năm, người dân huyện đảo hút khoảng chục nghìn mét khối cát biển. Nếu năm nào cũng khai thác như vậy thì bờ biển Lý Sơn sẽ cạn kiệt cát. Khi đó, một số loài sống trong cát sẽ biến mất, khiến tự nhiên mất cân bằng. Ngoài ra, cát thay vào mỗi vụ mới, nông dân đổ ra đường, xung quanh ruộng tỏi tồn dư lượng hóa chất phân tán đi khắp nơi, khiến nguồn nước, không khí bị ô nhiễm. Ngân sách của huyện cũng tiêu tốn tiền xử lý cát thải ra.
 
"Những hệ lụy khi dùng cát biển trồng hành, tỏi rất nhiều, vì vậy bốn năm nay tôi trồng tỏi bằng phương pháp hữu cơ, chỉ sử dụng một lớp cát mỏng hoặc không sử dụng cát. Năng suất đạt 70% sản lượng trên cùng một diện tích so với tỏi trồng theo cách truyền thống, nhưng tỏi có giá bán ra được 160.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với tỏi khô tại đảo", anh Công nói.
 
Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ hành, tỏi Lý Sơn Nguyễn Văn Định cũng là một trong những người tiên phong trồng tỏi theo phương pháp hữu cơ ít dùng cát san hô và cũng đã thành công với mô hình trồng tỏi sạch.
 
Theo anh Định, huyện Lý Sơn có nguồn phân bón hữu cơ dồi dào từ rong biển, xác cá, vi sinh vật tấp vào bờ. Người dân cần tận dụng để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cái cần nhất hiện nay là chính quyền sớm xác lập vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ, hạn chế dùng cát biển và khuyến khích thay đổi tập quán sản xuất cũ. Có như vậy mới phát triển nông nghiệp Lý Sơn theo hướng bền vững.
 
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 
 
 

.