Từ "Ao cá Bác Hồ" năm xưa...

08:05, 04/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đã 41 năm, kể từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng phát động phong trào thi đua xây dựng “Ao cá Bác Hồ”, ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) “Ao cá Bác Hồ” vẫn được chính quyền và nhân dân địa phương  duy trì và phát triển đến tận hôm nay. Ngọn lửa tinh thần từ “Ao cá Bác Hồ” cứ thế tiếp tục lan tỏa, tạo nên phong trào nuôi cá nước ngọt rộng khắp ở huyện miền núi này.
Hơn 4 thập kỷ giữ gìn "Ao cá Bác Hồ"
 
Trong cái nắng gay gắt của những ngày chớm hè, "Ao cá Bác Hồ" dưới chân núi Lưới Vẹt, thị trấn Di Lăng vẫn ăm ắp nước. Trong ao, ngoài thả nuôi các loại cá nước ngọt như cá rô phi, trắm cỏ, ông Đặng Mạnh Dũng - người trực tiếp trông coi ao cá còn trồng thêm hoa sen để vừa lấy hạt, vừa tạo cảnh quan. 
 
Dẫu 41 năm đã trôi qua, nhưng ao cá Bác Hồ tại thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) vẫn luôn được người dân gìn giữ, duy trì.  Ảnh: Ý THU
Dẫu 41 năm đã trôi qua, nhưng ao cá Bác Hồ tại thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) vẫn luôn được người dân gìn giữ, duy trì. Ảnh: Ý THU
 
Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đơn sơ ngay bên cạnh bờ ao, người đàn ông đã trải qua 23 năm gắn bó, chăm sóc ao cá, bộc bạch: “Ngày xưa, việc nuôi cá diễn ra thuận lợi vì nguồn nước dồi dào. Sau này vào mùa khô, nguồn nước ngày càng ít dần, nên việc duy trì ao cá khó khăn hơn. Nhiều người khuyên tôi từ bỏ ao cá, tập trung làm rẫy có thu nhập ổn định hơn. Song, chưa năm nào tôi để việc nuôi trồng tại "Ao cá Bác Hồ" phải gián đoạn”.
 
Dù chục năm trở lại đây, thu nhập từ việc thả nuôi cá ở ao cá chỉ đủ bù vào công chăm sóc, nhưng năm nào ông Dũng cũng thả từ 15.000 - 20.000 con giống. Để có những khóm sen khoe sắc trong lòng ao ở thời điểm hiện tại, ông đã phải lặn lội mua giống tận Khánh Hòa. Nhờ công chăm sóc của ông Dũng, "Ao cá Bác Hồ" không chỉ là ao nuôi cá nước ngọt, mà còn trở thành “hồ sinh thái” ngay giữa trung tâm thị trấn Di Lăng, thu hút nhiều người dân đến tham quan, chụp ảnh.
 
Khơi dậy nghề nuôi cá trên núi
 
Hồi tưởng lại không khí của một thời người người, nhà nhà nô nức đắp đập, dẫn nước từ suối vào đám ruộng lầy tại xóm Mẹ Đũa (thị trấn Di Lăng) để làm nên "Ao cá Bác Hồ", ông Đinh Văn Tơ (78 tuổi), nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, trầm ngâm kể: Năm 1979, Huyện đoàn khi đó đã đứng ra huy động mấy trăm thanh niên ở các địa phương về Di Lăng đào ao thả cá. Nhìn thấy thanh niên hăng hái đào ao, người dân Di Lăng khi đó cũng nô nức tham gia. Ngày ấy chưa có nhiều máy móc, thiết bị hiện đại như bây giờ, nên mọi người chủ yếu dùng cuốc, xẻng đào thủ công. Nhưng tất cả đã vượt khó, vượt khổ, đồng tâm, hiệp lực... làm nên "Ao cá Bác Hồ”.
 
Ngày mới giải phóng, đời sống của người dân Sơn Hà còn nghèo, lại khá lúng túng trong tìm hướng tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn. Do đó, việc chính quyền và nhân dân huyện Sơn Hà đào và thả nuôi thành công các loại cá nước ngọt tại "Ao cá Bác Hồ", đã mở ra cho người dân nơi đây hướng tăng gia sản xuất mới để chủ động được nguồn thực phẩm. “Năm 1980, chính quyền và nhân dân Sơn Hà thu hoạch thành công lứa cá đầu tiên tại "Ao cá Bác Hồ" với trọng lượng cá trắm, cá mè mỗi con lên đến 2 - 3kg. 
 
Thấy được thành quả đó, chính quyền và nhân dân các xã bắt đầu thi đua, phát triển nuôi cá nước ngọt tại địa phương mình. Đến năm 1983, hầu như tất cả các xã trên địa bàn huyện đều có ao nuôi cá nước ngọt. Việc nhân rộng được mô hình nuôi cá nước ngọt trên địa bàn huyện ngày ấy có ý nghĩa quan trọng lắm. Người dân từ chỗ chỉ trông chờ vào nguồn thức ăn tự nhiên, giờ đã biết cách tự chủ nguồn thực phẩm cho gia đình mình”, ông Đinh Văn Tơ, vui mừng nhớ lại.
 
Tiếp nối phong trào nuôi cá nước ngọt năm xưa, ngày nay, người dân miền núi Sơn Hà tiếp tục tận dụng gần 50% diện tích mặt nước sẵn có để nuôi thủy sản nước ngọt. Điều đáng mừng là, người dân không chỉ nuôi cá để chủ động nguồn thực phẩm như trước, mà đã chuyển sang nuôi cá nước ngọt thương phẩm để bán ra thị trường.
 
Phát triển “Ao cá Bác Hồ” thành hồ sinh thái
 
Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sơn Hà Trương Ngọc Quang cho hay: "Cải tạo "Ao cá Bác Hồ" thành hồ sinh thái, là một trong những hợp phần quan trọng của Dự án Khu trung tâm Bảo tồn Văn hóa Hrê huyện Sơn Hà. Không chỉ duy trì việc thả nuôi cá, dự án sẽ tiến hành cải tạo thêm diện tích mặt nước, đồng thời trồng thêm các loại cây bản địa xung quanh hồ... nhằm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của “Ao cá Bác Hồ”.

ĐÔNG YÊN


.