Nhiều dự án sản xuất rau sạch chết yểu- Kỳ 1: Dừng lại ở mô hình, dự án

09:04, 30/04/2020
.
(Baoquangngai.vn) - Được sử dụng thực phẩm an toàn là mong mỏi của bất cứ ai khi thực phẩm bẩn len lỏi vào bữa ăn của mỗi gia đình. Thế nhưng, một nghịch lý là các dự án, mô hình sản xuất rau an  toàn (RAT), rau sạch vừa sinh đã chết yểu.
 
 

Xong dự án là “đắp chiếu”

Hơn 1 năm qua, nhà sơ chế RAT của HTX Kinh doanh và dịch vụ RAT Sông Trà, ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng, TP. Quảng Ngãi được xây dựng quy mô trên diện tích hơn 300m2 bên cánh đồng rau đóng cửa im ỉm.  Cửa sắt, bể ôzôn, dụng cụ sơ chế, tủ mát, tủ lạnh, máy ghép mí bao bì… “đắp chiếu” đã gỉ sắt vì lâu ngày không hoạt động.

Năm 2014, UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng vùng chuyên canh RAT đạt tiêu chuẩn VietGAP tại đây với diện tích 10,22ha, sản lượng 800 tấn/năm với tổng kinh phí đầu tư hơn 5 tỷ đồng, 44 xã viên tham gia.
 
Nhà sơ chế RAT của HTX
Nhà sơ chế giữa cánh đồng RAT đóng cửa đã hơn 1 năm qua.
Hệ thống sơ chế hoen rỉ vì đã lâu không hoạt động.
Hệ thống sơ chế hoen rỉ vì đã lâu không hoạt động.
 
Dự án đã xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại 6 trường mầm non, bếp ăn công nghiệp tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và 6 cửa hàng RAT Sông Trà.

Dự án được công nhận là dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh năm 2017. Dự án kết thúc, HTX kinh doanh và dịch vụ RAT Sông Trà là đơn vị tiếp nhận, điều hành hoạt động.  Điều đáng buồn là khi k hông còn được hỗ trợ kinh phí, dự án rơi vào cảnh “đầu voi đuôi chuột”.
 
Sản phẩm tiêu thụ rất thấp so với sản lượng rau của vùng dự án vì giá thành cao hơn rau chợ. Doanh thu từ hệ thống cửa hàng của HTX không đủ chi trả chi phí hoạt động, thương hiệu càng đi xuống, dẫn đến chết yểu.  Từ năm 2019 đến nay, nhà sơ chế ngừng hoạt động, HTX chỉ còn tồn tại trên giấy. Xã viên thì quay lại lối sản xuất cũ, mạnh ai nấy làm, của ai nấy bán.
 
Người dân lại mạnh ai nấy làm, của ai nấy bán.
Người dân lại mạnh ai nấy làm, của ai nấy bán.
 
Ông Tống Thương một trong xã viên HTX không khỏi xót xa: “Khi có dự án nông dân rất mừng, nhưng khi làm rồi thì tiêu thụ không hết. Người dân mang ra chợ bán giá chợ. Qua năm 2019, nhìn nhà sơ chế đóng cửa, chúng tôi xót vì tiền tỷ đổ vào đó”.

Hiện nay diện tích sản xuất RAT ở Nghĩa Dũng nằm trọng trong diện tích quy hoạch khu đô thị. Vì thế việc xóa sổ vùng RAT Nghĩa Dũng là điều khó tránh khỏi.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng Trần Đình Trường cho biết, vùng sản xuất này không ổn định lâu dài vì quy hoạch đô thị nên rất khó kêu gọi doanh nghiệp vào hợp tác sản xuất để giải quyết đầu ra cho sản phẩm.

“Điểm sáng” cũng… vội tắt

Năm 2017, huyện Sơn Hà đầu tư hơn 800 triệu đồng để tiếp sức cho vùng chuyên canh rau sạch tại xã Sơn Trung. Người dân dân hưởng ứng nhiệt tình tạo ra vùng chuyên canh rau sạch đầu tiên ở miền núi với quy mô 4ha.
 
Bước đầu mô hình này phát huy có hiệu quả, nhất là giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm khi đưa được vào siêu thị. Sơn Hà là địa phương đầu tiên ở miền núi tạo được vùng chuyên canh rau sạch kết hợp với các loại rau rừng, gia cầm để xuất vào hệ thống siêu thị BigC.
 
Nhà lưới
Nhà lưới tại vùng rau sạch Sơn Trung ngã đỗ, cỏ mọc um tùm.
Đồng rau giờ thành đồng mì xen bắp.
Đồng rau sạch giờ thành đồng mì xen bắp.
 
Dù bước đầu dự án mang lại thành công lớn. Song, chỉ rầm rộ được 2 năm thì vùng chuyên canh này sớm rơi vào cảnh tiêu điều.  Không còn những ruộng rau xanh mướt thay vào đó là những ruộng non mì bị cong queo vì khảm lá, bắp khô cháy vì đã lâu không có mưa và bị sâu keo mùa thu phá nát.  Hệ thống kèo sắt, nhà lưới đã bị ngã đổ, bên trong cỏ dại mọc um tùm. Lác đác chỉ còn lại ruộng bí đỏ, dưa keo, khổ qua của gia đình ông Lê Kim Thành trồng mang bán ra chợ.

Ông Lê Kim Thành nản chí nói: “Làm bao nhiêu siêu thị lấy bấy nhiêu, nhưng một ký dưa họ mua 8.500 đồng mà chi phí vận chuyển vào Quy Nhơn đến TP. Hồ Chí Minh hết 5.000 đồng/kg, ra Đà Nẵng là 3.000 đồng/kg, trừ chi phí còn thua giá ngoài chợ nên mọi người nản không làm nữa, chỉ còn tôi với anh kia làm mang ra chợ bán”.

Không chỉ RAT Nghĩa Dũng, rau sạch Sơn Trung mà hầu hết các vùng sản xuất RAT, rau sạch bế tắc và chết yểu sau khi kết thúc mô hình, dự án, hết được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước.
 
Kỳ 2: Cần chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp
 
Bài, ảnh: C.P
 

.