(Báo Quảng Ngãi)- Hiện tại, hầu hết các địa phương chưa có quy hoạch mỏ đất, mỏ cát. Vì thế, một số công trình khi triển khai xây dựng đã gặp không ít khó khăn về nguồn vật liệu đất, cát phục vụ xây dựng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhìn từ công trình cầu Sông Rin
Khởi công xây dựng vào tháng 4.2019, theo kế hoạch, cầu Sông Rin (Sơn Hà) sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2021. Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, tổng vốn 245 tỷ đồng; quy mô chiều dài toàn tuyến 3.561m, gồm 2 cây cầu chính là cầu Sông Rin 319m và cầu Nước Rạc 43m; còn lại là đường dẫn nối hai cây cầu này vào Quốc lộ 24B.
Để đảm bảo tiến độ theo hợp đồng, các nhà thầu đã tập trung phương tiện, thiết bị, nhân lực đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, hiện tại dự án phải dừng thi công. Nguyên nhân do các nhà thầu không tìm được nguồn đất để san lấp đường dẫn, với tổng khối lượng đất đắp cần hơn 85.000m
3.
Hạng mục cầu Sông Rin hiện đang được hoàn thành. Riêng hạng mục đường dẫn thì phải tạm dừng thi công vì không có đất đắp. |
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Hợp Nghĩa, Chỉ huy trưởng công trình cầu Sông Rin Nguyễn Văn Anh cho biết: "Việc đắp đất chỉ có thể thực hiện được từ nay đến tháng 7, vì sau đó, miền núi vào mùa mưa, không thể đắp đất được. Do vậy, nhà thầu rất mong ngành chức năng và địa phương sớm cho khai thác mỏ đất để có vật liệu thi công công trình".
Liên danh nhà thầu xây dựng cầu Sông Rin đã có nhiều văn bản trình huyện Sơn Hà xin chủ trương khai thác đất đồi san lấp, thậm chí là tận thu nguồn đất của dự án đường Sơn Thượng- Sơn Tinh (Sơn Hà) để lấy đất đắp cho dự án cầu Sông Rin, nhưng hiện vẫn phải chờ huyện xem xét.
Cần quy hoạch kịp thời
Hiện tại, hầu hết các địa phương trong tỉnh không có mỏ đất, mỏ cát được quy hoạch để phục vụ xây dựng các công trình. Thẩm quyền cấp giấy phép khai thác mỏ theo quy định thuộc cấp tỉnh, nên địa phương không thể chủ động trong việc cung cấp đất san lấp và cát xây dựng cho các công trình.
Năm 2019, UBND tỉnh có quy định cho các huyện, thành phố được phép tổ chức đấu giá khai thác các điểm cát bồi tụ để kịp thời đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn, nhất là xây dựng các công trình nông thôn mới. Tuy nhiên, năm 2020, tỉnh đã bỏ chủ trương này và toàn bộ các mỏ cát lớn, nhỏ đều phải đấu giá giao quyền khai thác. Đối với mỏ đất, thẩm quyền cấp phép cũng thuộc tỉnh và cũng theo hình thức đấu giá. Tuy nhiên, việc quy hoạch mỏ đất chưa kịp thời, nên khi công trình triển khai xây dựng cần sử dụng đất, cát tại địa phương đã gặp vướng mắc.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết: "Theo quy định, tất cả các mỏ vật liệu xây dựng, kể cả mỏ đất san lấp, hoặc các bãi khai thác cát, sạn... để làm vật liệu xây dựng đều do Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh cấp phép.
Đầu năm 2020 đến nay, toàn bộ các mỏ khai thác được cấp phép đã hết hạn khai thác và chưa đấu thầu cấp phép quyền khai thác khoáng sản, nên các nhà thầu cũng như các hộ gia đình gặp nhiều khó khăn khi có nhu cầu mua vật liệu xây dựng. "Huyện đã trình các sở, ngành liên quan để tham mưu UBND tỉnh cho bổ sung quy hoạch mỏ đất san lấp tại huyện Sơn Hà. Hiện tỉnh đã thống nhất chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện các thủ tục để sớm đưa mỏ vào hoạt động, tạo điều kiện cho việc cung cấp đất san lấp công trình cầu Sông Rin", ông Long nói.
Công trình chậm, giải ngân khó
Bất cập trong quy hoạch, cấp phép và quản lý khai thác đất, cát ở Quảng Ngãi chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dừng thi công tạm thời nhiều dự án, mà công trình cầu Sông Rin là một điển hình. Điều này khiến cho việc giải ngân các dự án có vốn đầu tư công ở Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn.
|
Bài, ảnh: THANH NHỊ