Giải ngân vốn các công trình nông nghiệp: Rào cản từ thủ tục hành chính

07:04, 06/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2019, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh (BQL) được giao tổ chức thực hiện 27 dự án (DA), tổng kế hoạch vốn 435,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị giải ngân năm 2019 chỉ 255,2 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch.
Có tiền nhưng không tiêu hết
 
Cuối năm 2018, 3 DA khẩn cấp khắc phục sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông khu vực miền Trung - tỉnh Quảng Ngãi, gồm: Chống sạt lở bờ bắc Cửa Đại, khu dân cư thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi); kè chống sạt lở bờ biển thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị (Bình Sơn); chống bồi lấp Cửa Đại sông Trà Khúc, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) được triển khai thực hiện. Tổng vốn đầu tư 147 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 125 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 22 tỷ đồng.  
Công trình Kè chống sạt lở bờ biển thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị (Bình Sơn) một trong 3 công trình khẩn cấp đang đẩy nhanh tiến độ thi công.     ẢNH: M.HOA
Công trình Kè chống sạt lở bờ biển thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị (Bình Sơn) một trong 3 công trình khẩn cấp đang đẩy nhanh tiến độ thi công. ẢNH: M.HOA
 
Sau 8 tháng thi công theo lệnh khẩn cấp, đến nay, giá trị khối lượng hoàn thành của 3 DA trên đạt 59/125 tỷ đồng (đạt 47,2%). “Dù được trung ương bố trí 125 tỷ đồng vào cuối năm 2018, nhưng đến tháng 7.2019, 3 DA trên mới được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong khi đó, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư kéo dài, cộng với điều kiện thi công khó khăn (khu vực ven biển - PV), nên tỷ lệ giải ngân vốn thấp, thời gian hoàn thành công trình chậm”, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Từ Văn Tám lý giải.
 
Trong khi đó, DA Đập ngăn mặn Bình Nguyên - Bình Phước (Bình Sơn) có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng cũng rơi vào cảnh “có tiền nhưng không tiêu được”. Nguyên nhân là do chính quyền và người dân các xã Bình Thới (nay sáp nhập vào thị trấn Châu Ổ), Bình Nguyên, Bình Phước lo ngại các phương tiện vận chuyển vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ thi công sẽ làm hư hỏng các tuyến giao thông.
 
Mặc dù BQL cam kết sẽ khắc phục và hoàn trả nguyên trạng các tuyến đường sau thi công, nhưng người dân vẫn không hợp tác. Còn DA Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung - tỉnh Quảng Ngãi (WB) giao kế hoạch vốn (100 tỷ đồng) vào cuối tháng 7.2019, nên chủ đầu tư không đủ thời gian để tổ chức lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công xây dựng. Vì vậy, năm 2019, vốn WB chỉ giải ngân được 6 tỷ đồng!
 
Cần "gỡ" thủ tục hành chính
 
Một trong những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn các công trình, DA nông nghiệp chậm là do vướng thủ tục hành chính (TTHC) trong quá trình thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai thi công. Đơn cử như DA WB, hiện đã được bố trí 220 tỷ đồng (vốn WB là 200 tỷ đồng), để thực hiện 19 công trình thuộc 8 DA thành phần. Tuy nhiên, hiện có 3/8 DA thành phần cần phải điều chỉnh, bổ sung vì mục tiêu chưa phù hợp với yêu cầu của WB. Vấn đề là, thời gian thực hiện các thủ tục điều chỉnh kéo dài từ 3 - 4 tháng, trong khi các DA phải hoàn thành trước năm 2021.
 
Ngoài ra, năm 2020 đơn vị này còn chuẩn bị đầu tư 3 DA, với tổng mức đầu tư dự kiến 211 tỷ đồng, gồm: Kè chống sạt lở bờ biển thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi); Chống sạt lở bờ bắc Cửa Đại, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) và Kè bảo vệ bờ bắc sông Vệ, đoạn hạ lưu cầu sông Vệ và đoạn cầu đường sắt thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa). Hiện trung ương đã bố trí 105 tỷ đồng. Tuy nhiên, các DA này phải đợi HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư (dự kiến vào tháng 4.2020)...
 
Ngoài TTHC, thì những bất cập về chính sách đất đai, hỗ trợ đền bù... cũng khiến một số DA có nguy cơ rơi vào cảnh “có tiền mà không tiêu được”. Như DA Kênh Từ Ti (TP.Quảng Ngãi), có tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2019 - 2021. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Sở NN&PTNT và Sở Xây dựng chưa thống nhất một số nội dung liên quan đến vấn đề thiết kế, thẩm định DA.
 
Vì vậy, hiện DA vẫn chưa triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Hay như DA Đê Phổ Minh (thị xã Đức Phổ) cũng có nguy cơ chậm tiến độ, do chính sách chi trả, hỗ trợ bồi thường tài sản, vật kiến trúc và các công trình phục vụ sản xuất trên đất công ích chưa rõ ràng, thiếu thống nhất. Chính vì vậy, hiện có khoảng 6 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, nên DA phải dậm chân tại chỗ, dù đã hoàn thành trên 75% khối lượng công trình.
 
Năm 2020, BQL được giao nhiệm vụ thực hiện chủ đầu tư và quản lý 21 DA (15 DA chuyển tiếp, 3 DA khơi công mới và 3 DA chuẩn bị đầu tư), với tổng kế hoạch vốn bố trí khoảng 625 tỷ đồng. Áp lực giải ngân vốn xây dựng các công trình, DA do đơn vị này quản lý trong năm 2020 là rất lớn. Chính vì vậy, nếu không sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thì sẽ tái diễn tình trạng “có tiền mà không tiêu hết”, kéo theo nguy cơ mất vốn hoặc chuyển vốn, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư các công trình, DA nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
THANH PHONG
 
 

.