Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp: Nhiều "nút thắt" cần được tháo gỡ

02:04, 28/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Mở hàng” là Nghị định 210/2013, về chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đến năm 2018 được Chính phủ thay thế thành Nghị định 57. Chính sách này đã tạo bước đột phá để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, quá trình triển khai trên thực tế vẫn còn một số bất cập, khiến nhiều DN "nản lòng".
Động lực cho nông nghiệp
 
Theo Sở NN&PTNT, Nghị định 57 thay thế Nghị định 210 không chỉ mở rộng đối tượng thụ hưởng, mà còn đơn giản hóa thủ tục hành chính, như: Cắt giảm 3 thủ tục về xây dựng, giảm 1 thủ tục về quyết định chủ trương đầu tư và 1 thủ tục về thẩm tra công nghệ. Các thủ tục còn lại được lồng ghép, vừa thi công vừa hoàn thiện.
 
Nhờ đó, những năm qua, việc thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, với 51 dự án (DA), tổng vốn đăng ký đầu tư gần 2.600 tỷ đồng. Trong đó, trồng trọt có 13 DA, chăn nuôi có 20 DA; chế biến nông, lâm sản có 18 DA. Đến nay, có 19/51 DA đi vào hoạt động, 6 DN được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đầu tư, với số tiền trên 20,7 tỷ đồng. 
 
Quỹ đất sạch ít, lại manh mún là một trong những rào cản lớn nhất trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Quỹ đất sạch ít, lại manh mún là một trong những rào cản lớn nhất trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kinh doanh Đức Hòa Khưu Thị Ngọc Bích cho biết: “Chi phí đầu tư xây dựng chuồng trại và cơ sở hạ tầng; hệ thống xử lý chất thải, nước thải và mua sắm trang thiết bị, máy móc là rất lớn. Vì vậy, nếu không được nhà nước hỗ trợ kịp thời, DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn và DA cũng không hoàn thành đúng tiến độ, đạt hiệu quả như hôm nay”.
 
Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhưng tỉnh vẫn ưu tiên gói hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn. Mới đây, UBND tỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đối với một số DA chăn nuôi gia súc tập trung, sản xuất rau quả, chế biến nông, lâm, thủy sản, giống nông nghiệp công nghệ cao và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn. Điển hình là DA Khu sản xuất và chế biến nông nghiệp tập trung, với quy mô chăn nuôi 1.000 con bò thịt; trồng, sản xuất, chế biến nông nghiệp ứng dụng cao, gắn với du lịch sinh thái vườn... được triển khai thực hiện tại xã Đức Phong (Mộ Đức), với tổng vốn đầu tư hơn 78 tỷ đồng.
 
Doanh nghiệp vẫn phải “tự bơi”
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng: Mặc dù có nhiều khởi sắc, nhưng quá trình thực hiện các chính sách thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là đất đai. Vì vậy, để xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực trồng và chế biến lâm sản, ngành nông nghiệp mất rất nhiều thời gian trong việc kiểm tra, xác định lại nguồn gốc đất, tình trạng sử dụng đất ở từng khu vực... Trong khi đó, theo quy định, chỉ khi nào DA hoàn thành đưa vào hoạt động mới được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Do đó, nếu các thủ tục giao đất kéo dài, tiến độ thực hiện DA chậm, sẽ khiến DN gặp khó khăn vì nguồn kinh phí hỗ trợ chậm.
 
Ngoài ra, Nghị định 57 quy định hỗ trợ DN có dự án nông nghiệp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân; được miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất phù hợp với Luật Đất đai 2013. Nhưng thực tế, người dân có tâm lý sợ mất đất, nên không tham gia hình thức “góp vốn” này. Trong khi đó, quỹ đất sạch ít, còn việc tiếp cận vốn vay thì rất khó, vì phần lớn các ngân hàng thương mại đều e ngại đối với các DA đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn - lĩnh vực được “mặc định” là rủi ro cao, lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn lâu. Chính vì vậy, đã có không ít nhà đầu tư phải bỏ cuộc, còn hàng chục DA khác cũng đang gặp khó do vướng các thủ tục liên quan đến đất đai.
 
Tìm cách gỡ khó cho DN
 
Trước những khó khăn của DN trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính đã giao các Sở: NN&PTNT, TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ các vướng mắc cho DN, tạo điều kiện để các DN thuận lợi triển khai đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có việc thụ hưởng kịp thời các chính sách hỗ trợ.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.