Ông giáo già sản xuất giỏi

09:04, 27/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Gắn bó với vùng cao Sơn Hà 45 năm, thầy giáo Nguyễn Văn Thông, ở thôn Gò Ren, xã Sơn Thượng xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Dành cả quãng thời gian dài để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, xóa mù chữ ở miền núi, đến khi về hưu, ông vẫn hăng say lao động, xây dựng gia trại tổng hợp. Mỗi năm, gia trại của ông Thông mang về lợi nhuận cả trăm triệu đồng.
 
Gắn bó với vùng cao       
 
Quê ở TP.Quảng Ngãi, sau năm 1975, ông Thông tốt nghiệp trung cấp sư phạm và về phòng giáo dục huyện Sơn Hà nhận nhiệm vụ xóa mù chữ. Đến năm 1976, ông được phân về giảng dạy ở Trường Tiểu học Sơn Thượng. “Ngày mới giải phóng, ở đâu cũng khó khăn, đặc biệt là miền núi thiếu thốn trăm bề. Nhưng chính sự chất phác và hiền hậu của người miền núi làm tôi quý mến và muốn gắn bó với nơi này”, thầy Thông cho hay. 
 
Ông Thông dành nhiều công sức cải tạo mảnh vườn khô cằn để trồng cây ăn quả.
Ông Thông dành nhiều công sức cải tạo mảnh vườn khô cằn để trồng cây ăn quả.
Xã Sơn Thượng có trên 90% đồng bào dân tộc Hrê sinh sống. Vì vậy, để giao tiếp, giảng dạy, thầy Thông nhanh chóng học thông thạo tiếng Hrê. Sau vài năm giảng dạy, năm 1977 thầy Thông được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng, rồi sau đó trải qua hơn 25 năm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thượng. Dù ở vai trò nào thì thầy Thông cũng luôn chịu khó đến từng nóc nhà để sâu sát hoàn cảnh, vận động phụ huynh cho các em ra lớp đúng tuổi.
 
Thầy Thông bộc bạch: "Đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, nên chưa coi trọng chuyện học. Bởi vậy, ngoài chuyện đứng lớp, thì chúng tôi phải đi tuyên truyền, vận động cả phụ huynh. “Mưa dầm thấm lâu”, học trò vùng cao ngày càng ý thức trong chuyện học và nhiều nhà giờ không chỉ biết chữ mà còn là gia đình hiếu học, có con thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng".
 
Xây dựng gia trại trên vùng đất cằn
 
Thầy Thông chia sẻ: "Dành cả tuổi trẻ để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đến khi lớn tuổi, sắp về hưu, có nhiều thời gian hơn nên tôi muốn phát triển kinh tế, cải tạo mảnh vườn của gia đình để sản xuất, chăn nuôi nâng cao thu nhập. Đồng thời, từ mô hình của gia đình mình tôi muốn thúc đẩy phong trào làm kinh tế của người dân ở đây".
 
Là người đầu tiên ở Sơn Thượng xây dựng gia trại tổng hợp, nên hầu như các kiến thức trồng trọt, chăn nuôi những con cây con mới, thầy Thông đều phải tự tìm hiểu. Trước khi xây dựng gia trại, thầy Thông đã đầu tư vài chục triệu đồng để làm hệ thống nước tưới tiêu cho mảnh vườn rộng hơn 5.000m2. “Đất ở đây là đồi núi nên khô cằn và bạc màu. Để trồng được cây ăn quả, mỗi gốc cây tôi phải đào hố có đường kính gần 2m cho phân hữu cơ vào. Nhờ thế mà đất màu mỡ, các loại cây ăn quả mới phát triển tốt và cho năng suất cao”, vị giáo già cho hay.
 
Sau gần 10 năm đầu tư, xây dựng gia trại, đến nay, thầy Thông đã sở hữu vườn cây với 600 gốc chè bản địa, 100 gốc ổi nữ hoàng, 12 gốc sầu riêng, 10 gốc xoài cát Hòa Lộc và hơn 200 con chim bồ câu, gà H’Mông... Từ mảnh vườn của mình, trung bình mỗi năm, thầy Thông thu về hơn 100 triệu đồng.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Thượng Đinh Văn Sắc cho biết: "Khi còn đi dạy, thầy Thông là người hết lòng vì học trò, lúc về hưu thầy cũng cần cù, sáng tạo trong lao động. Cán bộ địa phương thường xuyên đến tham quan, học hỏi mô hình của thầy Thông để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách trồng trọt, chăn nuôi những cây, con cho hiệu quả kinh tế".
 
Bài, ảnh: HIỀN THU
 
 
 

.