Trồng rừng ven biển ứng phó biến đổi khí hậu

10:11, 11/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi đã và đang khôi phục, trồng mới nhiều diện tích rừng ngập mặn ở các địa phương ven biển, nhằm chủ động ứng phó và hạn chế những tác động tiêu cực của thiên tai; bảo vệ môi trường ven biển, chống sạt lở và bảo vệ nguồn thủy sản ở các khu vực sông, đầm...
Nhiều lợi ích
 
Dọc theo khu vực sông Đầm, thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận (Bình Sơn) đã có sự đổi thay nhiều so với trước đây bởi những vạt cây đước xanh tốt. Từ ngày có diện tích rừng ngập mặn, cuộc sống mưu sinh của người dân dọc theo sông ngày càng thuận lợi hơn.
 
Ông Nguyễn Văn Hiền, thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận chia sẻ: Khi rừng ngập mặn được trồng mới và phát triển, người dân có nguồn thu lâu dài từ tôm, cá trong rừng ngập mặn và không lo bị nước biển xâm thực. 
 
Rừng ngập mặn Bầu Cá Cái, xã Bình Thạnh (Bình Sơn). Ảnh: T.L
Rừng ngập mặn Bầu Cá Cái, xã Bình Thạnh (Bình Sơn). Ảnh: T.L
 
Trong khi đó, khu vực bầu Cái Cá, một rừng ngập mặn thuộc xã Bình Thuận, cũng đã trở thành điểm đến thú vị của nhiều du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, hấp dẫn. Đây là kết quả từ sự nỗ lực khôi phục và trồng mới rừng ngập mặn của tỉnh.
 
Bên cạnh nguồn lợi thủy sản, người dân ở các khu vực dự án trồng rừng ngập mặn thuộc quy hoạch rừng phòng hộ của tỉnh còn được hưởng lợi từ việc nhận giao khoán bảo vệ với mức 450.000 đồng/ha.
 
Ông Lê Quang Thanh, thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận cho biết: “Thời tiết ngày càng thay đổi thất thường, bão lũ nhiều và phức tạp hơn nên người dân sống ven biển rất lo sợ. Vì vậy, mô hình trồng rừng ven biển được triển khai rất phù hợp. Hiện tại, tôi và nhiều hộ khác đã đăng ký tham gia bảo vệ diện tích rừng ngập mặn tại khu vực bầu Cá Cái”.
 
Cần sự đồng hành của người dân
 
Lợi ích từ rừng ngập mặn đã giúp người dân ở các xã ven biển ngày càng có ý thức trong việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn. Tuy nhiên, việc triển khai trồng rừng ngập mặn ở một số địa phương hiện vẫn còn vướng mắc do người dân chưa đồng thuận.
 
Giám đốc Ban Quản lý dự án Biến đổi thích ứng khí hậu (GCF-UNDP) Quảng Ngãi Nguyễn Văn Hân cho biết: “Hiện dự án trồng rừng ngập mặn do GCF-UNDP tài trợ đang bị vướng khi triển khai thực hiện tại Vực Hồng, thuộc địa phận xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), với 2,66ha. Mặc dù Ban Quản lý dự án đã họp trên 10 lần, nhưng vẫn chưa triển khai được”.
 
Nguyên nhân bị vướng là do người dân xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) không đồng tình, vì theo họ, rừng ngập mặn sẽ khiến dòng chảy của sông "ăn" vào xã Nghĩa An. Ngoài ra, người dân lo lắng lúc trồng rừng không thể đánh bắt don, ốc, hến, ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh.
 
Trước những tác động tiêu cực của thiên tai ngày càng bất thường, gây sạt lở, xâm thực nghiêm trọng ở các địa phương ven biển, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân, thì việc khôi phục, trồng mới các diện tích rừng ngập mặn là giải pháp hữu hiệu.
 
“Trước mắt, người dân có thể thấy việc trồng rừng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh, nhưng về lâu dài thì đó chính là tài sản quý. Một khi có rừng ngập mặn sẽ che chắn, chống sạt lở; đồng thời tạo ra môi trường sống cho các loại thủy hải sản trú ngụ và sinh sôi, đem lại nguồn sinh kế lâu dài cho người dân”, ông Hân lý giải.
 
Giao khoán rừng cho người dân bảo vệ
 
Theo thống kê của Ban Quản lý GCF-UNDP Quảng Ngãi, từ năm 2014 đến nay, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” tại Quảng Ngãi (do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ) đã trồng hơn 80ha rừng ngập mặn tại bầu Cá Cái, trong đó đã giao khoán hơn 50ha rừng già cho người dân bảo vệ. Riêng 22,4ha trồng mới và trồng bổ sung năm 2019 thuộc Dự án GCF-UNDP tài trợ cùng với vốn đối ứng của tỉnh sẽ hoàn thành và bàn giao khoán bảo vệ cho người dân trong thời gian tới.
 
HỒNG HOA
 

.