Phát triển rừng ven biển: Đầu tư chưa tương xứng

09:10, 20/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Rừng ven biển được xem là vành đai chắn gió và cát, góp phần giảm thiểu rủi ro, bảo vệ cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, việc phát triển rừng ven biển trên địa bàn tỉnh dường như chưa được quan tâm đúng mức.

TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả thiết thực

Xã Đức Minh (Mộ Đức) hiện có rừng phi lao lớn nhất nhì tỉnh, với gần 220ha rừng phòng hộ và 270ha rừng sản xuất chạy dọc ven biển. Gần chục năm trở lại đây, trước những tác động của thiên tai, người dân ven biển xã Đức Minh đã xem khu rừng này như báu vật.

“Nhờ có rừng cản bớt gió, cát nên cuộc sống và sinh hoạt của người dân chúng tôi cũng bớt vất vả hơn trước rất nhiều”, bà Nguyễn Thị Thái, ở thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh cho hay. Vì vậy năm 2012, sau khi 6ha rừng phòng hộ bị cháy rụi thì chính quyền, nhân dân xã Đức Minh đã lập tức trồng mới và tích cực chăm sóc, bảo vệ.

 

Rừng ven biển là
Rừng ven biển là "phao cứu sinh" của người dân nên cần được quan tâm đầu tư, phát triển tương xứng.

Trong khi đó, người dân các xã ven biển huyện Đức Phổ cũng nâng niu hơn 410ha rừng dương của mình. Hơn 5 năm trước, người dân các xã Phổ Châu, Phổ An, Phổ Quang, Phổ Vinh và Phổ Khánh luôn lo lắng, bất an khi nhìn biển ngày càng xâm thực sâu vào đất liền, khiến nhiều khu rừng phi lao già trơ gốc.
 
Nỗi lo của người dân càng gia tăng khi kế hoạch trồng, phục hồi rừng phòng hộ ven biển không đạt kết quả như mong muốn. Do vậy, khi triển khai Dự án trồng rừng phòng hộ trên đất cát ven biển do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, người dân nơi đây không chỉ góp công trồng cây, mà còn chung tay chăm sóc và bảo vệ. Vì vậy, hơn 5 năm qua, trên 400ha rừng dương lớn nhanh, xanh tốt và trở thành bức tường chắn gió, cát vững chắc. “Từ khi có rừng dương, người dân chúng tôi yên tâm lắm! Nhà cửa cũng đỡ bị cát, bụi bám bẩn”, ông Huỳnh Gặp, thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu bày tỏ.

 Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng vừa ký thông báo về việc thu hồi hơn 90ha đất thuộc các xã Bình Phước, Bình Trị, Bình Đông (Bình Sơn) để thực hiện Dự án trồng rừng ngập mặn ven biển. Dự án không chỉ trồng mới mà còn phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển, góp phần giảm thiểu tình trạng xâm thực của biển cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước, nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt.

Cần đầu tư tương xứng

Theo dự báo, mỗi năm xã Đức Lợi (Mộ Đức) bị biển “ăn” sâu vào đất liền hàng chục mét và kéo dài hơn 1km, nên diện tích đất nơi đây ngày càng thu hẹp. Tuy nhiên, việc trồng và phát triển rừng phòng hộ khu vực này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các ngành chức năng. Để hạn chế tình trạng xâm thực của biển, những năm gần đây chính quyền và nhân dân xã Đức Lợi đã tự huy động kinh phí để trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Thế nhưng, vì nguồn lực hạn hẹp nên diện tích rừng phủ xanh không nhiều, hiệu quả bảo vệ cũng chưa như mong đợi. Theo ông Vũ Nhân - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức thì, không chỉ Đức Lợi mà các xã ven biển trên địa bàn huyện cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc trồng và bảo vệ rừng vì nguồn lực yếu, lại không được hưởng khoản hỗ trợ 100.000 đồng/ha.

Trong khi đó, hơn 400ha rừng phòng hộ ven biển huyện Đức Phổ hiện đang được UBND các xã quản lý và bảo vệ với mức hỗ trợ 100.000 đồng/ha. Khó khăn sắp tới là toàn bộ diện tích rừng trên sẽ được giao cho cộng đồng dân cư quản lý, nhưng khoản hỗ trợ lại bị cắt. Điều này, theo ông Lê Thanh Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ “sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của rừng phòng hộ ven biển”.

Toàn tỉnh hiện có trên 18 nghìn hécta rừng phòng hộ ven biển. Tuy nhiên, việc phát triển các loại rừng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Nguyên nhân, phần vì điều kiện khắc nghiệt, cộng với cách chăm sóc chưa phù hợp nên tỷ lệ cây sống rất thấp. Không những thế, việc tái tạo rừng phòng hộ cũng gặp khó khăn, vì nó thuộc diện “phi lợi nhuận” nên người dân xem đó là nhiệm vụ của... Nhà nước, mà chưa tích cực tham gia!

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.