(Baoquangngai.vn)-
Ngoài cá lăng, cá chình…, một số hộ dân ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) đã mạnh dạn nuôi thử nghiệm cá chạch lấu lồng bè trên sông Trà. Kết quả bước đầu thu về rất khả quan và mở ra hướng mới cho nhiều nông dân khác trong việc nuôi cá sạch, nâng cao thu nhập.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khu vực lồng bè nuôi cá chình của ông Nguyễn Cự ở thôn Tây, xã Tịnh Sơn vẫn vững chãi dù vừa qua nước lũ sông Trà dâng cao, sức nước chảy xiết. Theo ông Cự, nếu như trước đây, thì các lồng bè nuôi cá truyền thống của gia đình sẽ bị cuốn trôi sạch khi nước lũ về mà không kịp tháo dỡ.
Nhưng nay, được sự hướng dẫn và hỗ trợ của ngành chức năng, lồng bè nuôi cá bằng khung kim loại của gia đình ông Cự không hề hấn gì khi trải qua 2 đợt lũ do ảnh hưởng của bão số 5 và số 6 vừa qua.
Lồng bè nuôi cá trên sông Trà được cải tiến vững chãi hơn để đối phó với mọi loại hình thời tiết khắc nghiệt |
Lồng bè vững chắc vượt qua mọi loại thời tiết khắc nghiệt của miền Trung, ông Cự cũng tự tin nuôi thử giống cá mới trên sông Trà. Đó là loài cá chạch lấu. Với giá bán thị trường là 300 nghìn đồng/kg, lứa cá đầu tiên hứa hẹn sẽ thu lãi về cho gia đình ông trên 30 triệu đồng sau 6 tháng thả nuôi.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi cá lồng bè trên sông Trà, ông Cự chia sẻ: Trước đây, mình nuôi theo cách truyền thống theo kinh nghiệm truyền tai lại thôi. Nên không dám nuôi giống cá mới hay không biết cách làm lồng bè phù hợp. Nhưng nay thì tôi đã biết áp dụng khoa học kĩ thuật để chọn nuôi giống cá chạch lấu, vừa dễ nuôi lại vừa cho thu nhập cao.
Hộ ông Nguyễn Văn Thu ở cùng thôn, cũng thả nuôi chạch lấu từ tháng 5.2019. Sắp tới, dự tính gia đình ông sẽ thu 114 kg. Ông Thu cho biết sẽ tiếp tục nuôi để bán trong dịp Tết nguyên đán sẽ thu lãi cao hơn ngày thường, khoảng gần 50 triệu đồng.
“Cái quan trọng là mình phải dám làm. Và may mắn là bọn tui xung phong làm đầu tiên nên được sự hỗ trợ hết mình về kĩ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh”- ông Thu cho hay.
Mô hình nuôi cá chạch lấu do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Sơn Tịnh triển khai từ tháng 6.2019. Mô hình có kinh phí 121 triệu đồng với 3 hộ dân tham gia. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 55 triệu đồng, mỗi hộ dân tự đầu tư số tiền 22 triệu đồng để tiến hành nuôi giống cá mới.
Trước khi thực hiện mô hình nuôi cá chạch lấu, các hộ dân đã được tập huấn kỹ thuật chăm sóc nuôi cá chạch lấu, cũng như cách cải tạo và làm lồng đúng qui cách. Trong quá trình nuôi cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã theo dõi các yếu tố kỹ thuật từng tháng.
Trong đó, đảm bảo môi trường nước sông Trà khu vực nuôi cá chạch lấu có nhiệt độ từ 26-34 độ C, pH biến động từ 6,1 -6,7. Bà con cũng áp dụng qui trình kỹ thuật chăm sóc tốt từ khâu chọn giống, chọn thức ăn cho cá gồm các sản phẩm nông nghiệp ở địa phương như: Bắp, lang, mì, tôm, cua, tép. Tiếp theo là chú trọng việc phòng, chống một số bệnh thông thường cho cá nuôi trong lồng.
Sau 6 tháng thả nuôi, cá phát triển tốt với trọng lượng trung bình khoảng 0,22kg/con. Mỗi kg cá chạch lâu bán ra thị trường có giá 300 nghìn đồng |
Thời gian đầu thả nuôi, các hộ cũng gặp một số khó khăn do nhiệt độ, thời tiết nắng nóng của mùa hè đã khiến một số cá chịu không nổi. Tuy nhiên, do nắm được kĩ thuật nuôi thuần thục, các hộ dân chủ động bố trí đủ ống nhựa ở đáy lồng cho cá trú núp.
Bắt đầu từ tháng nuôi thứ 5 trở đi, trời đã có mưa, mực nước sông đã dâng cao, cá sinh trưởng phát triển khá nhanh và ít hao hụt. Đến nay, qua 6 tháng nuôi, hầu hết các hộ nuôi trong mô hình đều đạt trọng lượng cá theo kế hoạch. Trung bình trọng lượng cá đạt 0,22 kg/con.
Ông Phạm Văn Tùng- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh cho biết: Việc phát triển nuôi trồng thủy hải sản của bà con trên địa bàn huyện Sơn Tịnh những năm gần đây trở nên mạnh mẽ. Đặc biệt, là việc cải tạo lồng cá qui mô hơn để nuôi nhiều giống cá trong lồng trên sông Trà.
Với việc thực hiện mô hình nuôi cá chạch lấu, bước đầu đã cho thấy triển vọng cho bà con. Vì giống cá chạch lấu giá trị cao, đầu ra thuận lợi, kỹ thuật nuôi đơn giản, thức ăn cho cá chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp ở địa phương.
Nuôi cá chạch lấu lồng bè trên sông Trà khúc là cơ hội để nông dân Sơn Tịnh áp dụng, nhân rộng mô hình, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa sạch, có giá trị kinh tế cao. Qua đó, góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá nước ngọt của huyện Sơn Tịnh phát triển, mang lại nguồn thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: An Điền