(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi ngư dân gặp nhiều khó khăn vì giá bán hải sản thấp, thì người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh lại phải mua hải sản với giá ngày càng cao.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngư dân bán cá rẻ
Mặc dù đã 7 giờ sáng, nhưng tại cảng cá Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) chỉ có vài chiếc tàu cập cảng, để bán cá sau chuyến biển dài ngày. “Chuyến này cá nhỏ, lại ít tươi. Cá thu chỉ còn giá 70 nghìn đồng/kg”, chủ nậu Nguyễn Thị L, xã Bình Châu (Bình Sơn) báo giá.
Với mức giá trên, ngư dân Trần Văn Hải, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cầm chắc lỗ, vì tổng thu hàng chục tấn cá sau chuyến biển 15 ngày không đủ bù phí tổn và trả tiền công cho lao động trên tàu.
Giá bán sỉ thủy hải sản tại các cảng và giá bán lẻ tại các chợ hiện chênh lệch lên đến 30 - 35%. |
Trong khi đó, tàu cá của ngư dân Đỗ Văn K, xã Bình Châu (Bình Sơn) vừa cập cảng, thì nhân viên vựa cá bà L có mặt tại cảng và đưa thẳng vào vựa. “Họ ra giá, cân xong thì trừ tiền ứng chuyến biển, nên mình cũng không dư được nhiều”, ông K tâm sự.
Theo ông K, trước đây ông cũng từng “trốn” nậu, bán cá cho người khác với giá cao hơn. Tuy nhiên, chỉ được một số chuyến, còn lại “nậu” phát hiện, nhất quyết không thu mua sản phẩm, khiến ông lao đao.
Không chỉ ngư dân, các nhà máy thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng phụ thuộc vào đầu nậu. Mỗi ngày, các đơn vị này tiêu thụ vài trăm tấn hải sản, nhưng nguồn cung nguyên liệu chưa ổn định, nên đầu nậu là kênh phân phối duy nhất. “Tình trạng đầu nậu thâu tóm thị trường, thậm chí bắt chặt giá ngư dân và doanh nghiệp là một thực tế, nhưng ngành rất khó can thiệp”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết.
Người tiêu dùng mua với giá cao
Viện nhiều lý do để không tăng giá mua sỉ các loại hải sản của ngư dân, nhưng ngược lại, giá bán lẻ trên thị trường lại liên tục “phi mã”. Tại các chợ, giá nhiều loại cá thông thường như: Cá bạc má, cá ngân... là 120 - 150 nghìn đồng/kg, tăng từ 10 - 15% so với tháng trước; cá thu xước, cá hồng, cá dìa, cam cu... là 220 - 350 nghìn đồng/kg, tăng từ 15 - 30%. Riêng giá mực ống, ghẹ xanh thì tăng đột biến, hiện ở mức 300 - 400 nghìn đồng/kg, tăng từ 40 - 50%.
Trước đây, chênh lệch giá mặt hàng hải sản giữa bán sỉ và bán lẻ chỉ 10 - 15%, nhưng hiện nay, tỷ lệ này đã lên 25 - 35%. Cá biệt, chỉ cần có thông tin bất lợi về nguồn hàng, hay dịp lễ khiến sức mua tăng, mức chênh lệch có thể tăng lên 40 - 50%.
Theo ngư dân, nguyên nhân là có quá nhiều khâu trung gian trong quá trình mua bán. Đó là, khi các tàu cá về bến, chủ tàu thường nhờ đầu nậu bán giùm cá cho các đại lý. Sau khi thu mua, các đại lý thu gom sẽ phân loại cá theo chủng loại, phẩm chất, rồi bán cho các cơ sở chế biến xuất khẩu, hoặc chuyển lên các chợ đầu mối, đại lý và cửa hàng trên địa bàn tỉnh.
“Trong khi các đại lý cho rằng, họ đã ký hợp đồng với khách hàng từ trước, nên không thể tăng giá mua cá của ngư dân. Họ còn nói, tình hình xuất khẩu và tiêu thụ thủy hải sản hiện nay khó khăn, nên sức mua giảm. Vì vậy, họ lấy cá mình giá 10, nhưng bán ra với giá 15, 20 hoặc hơn”, ông K cho biết.
Một số tiểu thương lại cho rằng, chất lượng thủy hải sản quyết định rất nhiều đến giá cả. Thủy hải sản là mặt hàng tươi sống, lại mang tính thời vụ cao, nên để có nguồn cung ổn định, nhiều cửa hàng, siêu thị ký hợp đồng trực tiếp với các đầu nậu, nên có sự chênh lệch.
Việc tiểu thương ở các chợ tăng giá bán, nhưng với tỷ lệ cao hơn nhiều so với chợ đầu mối, có thể một phần do họ tranh thủ đẩy giá khi hàng bán chạy, nhất là trong thời điểm giá thịt heo tăng cao như hiện nay.
Bài, ảnh: MỸ HOA