Nuôi trồng thủy sản: Nơi mừng, chỗ lo

03:11, 05/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, các mô hình nuôi trồng thủy, hải sản được triển khai ở nhiều xã thuộc hai huyện Đức Phổ, Bình Sơn. Bên cạnh những mô hình thành công, mang lại hiệu quả và được nhân rộng, thì cũng có không ít mô hình đứng trước nguy cơ thất thu.
TIN LIÊN QUAN

Từ lúc triển khai đến khi thu hoạch chưa đến nửa năm, nhưng mô hình nuôi cá đối ở thôn Châu Me, xã Bình Châu (Bình Sơn) được các cấp đánh giá rất thành công. Đây là mô hình được chuyển đổi từ diện tích hồ nuôi tôm kém hiệu quả. Là một trong những hộ nuôi cá đối của thôn Châu Me, ông Phan Đình Vĩnh (70 tuổi) cho biết: “Loại cá này dễ nuôi, thức ăn cũng rất đa dạng.

 

 Năm nay, tôm rớt giá khiến nhiều hộ nuôi tôm ở Đức Phổ gặp khó khăn.
Năm nay, tôm rớt giá khiến nhiều hộ nuôi tôm ở Đức Phổ gặp khó khăn.
Trước khi nuôi cá đối, chúng tôi đều có kinh nghiệm trong nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, việc thường xuyên kiểm tra môi trường nước, cách chăm sóc đúng theo hướng dẫn, nên cá mau lớn, tỷ lệ chết ít. Với giá bán hiện nay từ 100 - 110 nghìn đồng/kg, sau mỗi vụ cá, tôi lãi trên dưới 30 triệu đồng”.

Mô hình nuôi cá đối được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn triển khai ở xã Bình Châu, từ đầu năm 2019. Theo đó, có 11 hộ ở thôn Châu Me tham gia mô hình này, với 3,3ha ao, hồ (là diện tích trước đó người dân đã cải tạo, thả nuôi tôm, nhưng không đem lại hiệu quả - PV). “Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều mô hình nuôi trồng thủy, hải sản cho nông dân và nhận thấy, cá đối chính là lựa chọn phù hợp nhất. Sau 6 tháng triển khai, tỷ lệ cá thích nghi và sống rất cao. Do đó, năng suất đạt hơn 6.320kg cá thương phẩm, thu về hơn 360 triệu đồng. Sắp đến, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của lãnh đạo huyện để nhân rộng mô hình lên 30ha, thay thế diện tích nuôi tôm kém hiệu quả”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn Lê Đăng Khoa cho biết.

Cá đối thương phẩm không phải là mô hình đầu tiên triển khai đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Trước đó, tại xã Bình Dương, việc thực hiện mô hình ghép nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá đối, với tổng diện tích 5.000m2 do hộ anh Nguyễn Văn Nhựt, thôn Đông Yên 3 thực hiện. Sau gần 5 tháng nuôi, mô hình cho sản lượng tôm thương phẩm 1.800kg, thu về 170 triệu đồng và 340kg cá đối, trị giá 34 triệu đồng.
Tuy
Tuy "được mùa, mất giá" nhưng nhiều người dân nuôi tôm ở Đức Phổ vẫn cải tạo ao, hồ để chuẩn bị cho vụ mới.
Không có niềm vui như người nuôi trồng thủy, hải sản ở Bình Sơn, năm nay người nuôi tôm ở các xã Phổ An, Phổ Quang (Đức Phổ) rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”. Hiện tại, giá tôm chỉ dao động từ 70 – 80 nghìn đồng/kg, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Anh Nguyễn Nguyên Trạng, một hộ nuôi tôm ở thôn Hải Tân, xã Phổ Quang cho biết: “Bây giờ, “đâm lao phải theo lao” thôi, chứ biết làm sao được. Khi mình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng vào con giống, cải tạo hồ, sắm sửa trang thiết bị, mà giờ bỏ thì mất hết. Năm nay, giá tôm thấp, vụ này coi như thất thu, chỉ mong những tháng tới, giá tôm tăng để gỡ gạc lại phần nào vốn liếng bỏ ra”.

Không chỉ có mô hình nuôi tôm, các mô hình nuôi trồng thủy, hải sản kết hợp như nuôi hải sâm và ốc hương ở thôn Hải Tân, xã Phổ Quang cũng rơi vào cảnh điêu đứng, thất thu do bị nhiễm dịch bệnh. Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Quang Huỳnh Xuân Bình cho biết: “Lúc đầu mới triển khai nuôi được hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc kỹ, nên mô hình này rất đạt và được các cấp quan tâm. Dự kiến, mô hình sẽ được nhân rộng, với nhiều hộ tham gia. Tuy nhiên, sau đó người dân tự thả nuôi và do nhiều nguyên nhân mà ốc hương bị nhiễm bệnh. Đối với các loại thủy, hải sản khác, khi nhiễm bệnh có thể cứu chữa được, nhưng ốc hương thì chết hàng loạt, nên hầu hết hộ nuôi thất thu”.

Bài, ảnh: HOÀI BIỆT
           


 

.