Đìu hiu làng đóng tàu Cổ Lũy

09:11, 04/11/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cơ sở đóng tàu Cổ Lũy (xã Nghĩa An, Nghĩa Phú - TP.Quảng Ngãi), từng là nơi đóng tàu gỗ có quy mô lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, do việc làm ăn của ngư dân ngày càng khó khăn, dẫn đến ngư dân ít đóng tàu mới để vươn khơi.

Tiền tỷ “phơi”nắng mưa

Triền đà đóng tàu Cổ Lũy cách đây ba năm trước luôn tấp nập tàu đóng mới, sửa chữa, cải hoán, nhưng hiện nay khá vắng vẻ. Ông Lương Thanh Hùng, ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An cho biết: Tôi làm chủ thầu đóng tàu từ năm 2007. Lúc đó, nghề đóng tàu thịnh lắm, mỗi năm tôi nhận đóng mới, sửa chữa cả chục chiếc tàu công suất lớn. Nhưng từ năm 2017 đến nay, không còn đơn đặt hàng đóng tàu nào nữa, do Nhà nước cấm ngư dân hành nghề giã cào, nên ngư dân không đóng tàu mới.

 

Bãi đóng tàu Cỗ Lũy rơi vào cảnh đìu hiu, vì không có tàu cá nào đặt đóng mới.
Bãi đóng tàu Cỗ Lũy rơi vào cảnh đìu hiu, vì không có tàu cá nào đặt đóng mới.

Năm 2015, có một người thuê đóng tàu, nhưng đang làm giữa chừng thì “bỏ của chạy lấy người”, giờ chủ tàu còn nợ ông Hùng hơn 1,2 tỷ đồng. Còn chiếc tàu đang đóng thì nằm bờ mấy năm nay.

Những năm trước, việc khai thác thủy sản thuận lợi, nên cơ sở đóng tàu Cổ Lũy luôn có hàng chục tàu công suất lớn chọn bãi để đóng mới, cải hoán, sửa chữa. Còn hiện nay, triền đà Cổ Lũy chỉ còn duy nhất một chiếc tàu gỗ của ông Cao Thanh Sơn, ở đường Lê Lợi (TP.Quảng Ngãi) đang đóng thì phải bỏ giữa chừng.

Ông Sơn cho biết: Năm 2016 thu nhập từ nghề đánh bắt thủy sản của ngư dân Nghĩa An, Nghĩa Phú rất khấm khá. Nhận thấy cơ hội, gia đình tôi đầu tư ban đầu khoảng 2 tỷ đồng, đóng tàu gỗ công suất 650CV bán cho chủ tàu đã hẹn mua trước đó, nhưng đang đóng thì chủ tàu thông báo không vay được ngân hàng, nên họ không đủ tiền để mua, khiến mình cũng lâm vào cảnh lao đao. Đầu tư tiền tỷ, giờ đành phải để tàu trên bờ phơi nắng, phơi mưa.

"Chưa bao giờ nghề biển ở xã Nghĩa An lại khó khăn như thời điểm hiện nay. Không chỉ chủ tàu, ngư dân lâm vào cảnh nợ nần, mà khâu dịch vụ hậu cần nghề cá như đóng tàu cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã không có tàu cá nào được đăng ký đóng mới. Trước mắt, nhà nước cần giúp ngư dân giãn nợ. Về lâu dài cần đầu tư kinh phí thông luồng Cửa Đại, vì hiện nay, cửa biển này đang bị bồi lấp, tàu công suất lớn không ra vào được".

Chủ tịch UBND xã Nghĩa An VÕ THỊ LỆ THU

Mất kế sinh nhai

Khi hưng thịnh, triền đà Cổ Lũy luôn có hàng trăm thợ đóng tàu hành nghề. Đơn đặt hàng đóng tàu đến từ khắp nơi trên cả nước. Hàng trăm thợ đóng tàu và các dịch vụ khác như cơ khí, sơn sửa... cũng ăn nên làm ra, nhưng thời vàng son đó đã qua.

Những người thợ đóng tàu nay phải ra Quảng Nam, hoặc vào Bình Định... để hành nghề, hoặc chuyển sang nghề mới để kiếm kế sinh nhai. Ông Nguyễn Xuân, ở xã Nghĩa Phú, có thâm niên hơn 20 năm đóng tàu chia sẻ: Nghề đóng tàu ở Cổ Lũy hình thành cách đây khoảng 50 năm.

Từ lúc ra đời chỉ có phát triển, chứ chưa thụt lùi bao giờ. Vậy mà từ năm 2016 đến nay, nghề đóng tàu nơi đây rơi vào cảnh đìu hiu, cả năm không có nổi một đơn hàng. Nếu tiếp tục như vậy, nghề đóng tàu truyền thống ở đây đứng trước nguy cơ xóa sổ.

Nghề đóng tàu ở triền đà Cổ Lũy rơi vào cảnh đìu hiu, nên việc làm của các xã viên HTX Dịch vụ và khai thác xa bờ xã Nghĩa Phú cũng ngày càng khó khăn hơn. Đại diện HTX cho biết: Từ hai năm nay việc làm ăn khó khăn, nên rất nhiều xã viên của HTX đã xin rút khỏi HTX, hiện HTX chỉ còn 40 xã viên và đang tiếp tục rút dần. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, nhưng đến giờ vẫn chưa có hướng tháo gỡ.

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 

.