Người dân làng gạch thủ công: Chuyển hướng làm ăn

02:11, 02/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, hàng chục hộ dân ở các làng gạch Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa), Hành Phước (Nghĩa Hành) đang nỗ lực chuyển đổi từ phi nông nghiệp sang trồng hoa, ớt và chăn nuôi gà, bò...
TIN LIÊN QUAN

Tìm hướng đi mới          


“Thủ phủ” lò gạch thủ công một thời ở xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa), giờ đã đổi thay. Không còn cảnh khói bụi nghi ngút bốc ra từ những lò gạch san sát. Trên nền những lò gạch cũ, nay đã được san ủi bằng phẳng. Những chủ lò gạch trước đây nay không xếp gạch nữa, thay vào đó là chăm sóc mầm xanh của hàng nghìn chậu hoa cúc đang đua nhau vươn mình.
Người dân làng gạch Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) chuyển sang trồng hoa cúc để cung cấp cho thị trường tết.
Người dân làng gạch Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) chuyển sang trồng hoa cúc để cung cấp cho thị trường tết.

Từng là một trong những cơ sở sản xuất gạch lớn nhất nhì tỉnh, nhưng khi có thông báo của chính quyền địa phương, gia đình anh Nguyễn Toan, xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) đã thống nhất tháo dỡ công trình, thanh lý hết toàn bộ đất sét cũng như máy móc hành nghề trước đây, để chuyển sang nghề khác.

Anh Toan cho biết: “Giờ nghỉ làm gạch rồi, mình phải tìm hướng làm ăn mới thôi. Do chưa quen với sản xuất nông nghiệp, nên bước đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi nghĩ qua vài vụ sẽ có kinh nghiệm hơn. Hiện tôi đang xuống giống 4 sào ớt”.

Chủ động trong thực hiện chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, nên từ cuối tháng 6.2019, anh Nguyễn Văn Hùng, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) đã tiến hành đúc chậu để xuống giống hoa cúc kịp thời vụ. Nhìn hơn 600 chậu hoa cúc đang phát triển xanh tốt, anh Hùng cho biết: “Nghề trồng hoa này không nặng, nhưng rất nhọc vì ngày nào mình cũng phải tỉa cành, loại bỏ những lá gốc bị vàng úa. Phát hiện sâu bệnh phải phun thuốc ngay, nếu không sẽ khó cứu chữa. Còn ban đêm phải chong đèn để hoa không nở sớm”.

Bên cạnh trồng hoa, tận dụng diện tích đất gò đồi, anh Hùng trồng một số cây rau màu và thả nuôi thêm 300 con gà. Sau khi có đàn gà giống, anh đầu tư mua 5 máy ấp trứng. Trung bình mỗi tháng anh ấp nở 200 – 300 gà con. Với giá bán 20.000 đồng/con, mỗi tháng anh thu về 4 – 5 triệu đồng.

Không riêng gì anh Toan, anh Hùng, mà hàng chục hộ dân ở làng gạch ngày nào đã và đang nỗ lực tìm hướng đi mới. Cùng với trồng hoa, ớt, nuôi gà, nhiều hộ dân đang lên luống trồng rau lang, trồng cỏ và xây dựng chuồng trại kiên cố để chăn nuôi bò.

Rất cần những chính sách hỗ trợ

Từ nghề phi nông nghiệp, người dân ở các làng gạch thủ công đã chuyển sang làm nông nghiệp, với các loại cây trồng, vật nuôi quen thuộc tại địa phương. Thế nhưng, để chuyển đổi nghề nghiệp, người dân rất cần hỗ trợ về quỹ đất, nguồn điện phục vụ sản xuất, đặc biệt là nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng nông nghiệp và ngân hàng chính sách. “Rất mong các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện để chúng tôi có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay với lãi suất thấp, để đầu tư phát triển kinh tế gia đình”, anh Toan bày tỏ.

Phó Giám đốc Agribank Tư Nghĩa Nguyễn Văn Đậu cho biết: Agribank là ngân hàng cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nên tất cả người dân có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực này đều được ngân hàng cho vay theo Nghị định 55 của Chính phủ. Lâu nay Agribank Tư Nghĩa đều giải ngân cho các hộ trồng hoa, chăn nuôi trên địa bàn.

Về tín dụng chính sách, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Trần Thị Hồng Oanh cho rằng: Mặc dù nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm còn hạn chế. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn ưu tiên cho vay đối với những hộ khó khăn.


Bài, ảnh: HỒNG HOA


 

.