Khó khôi phục nghề trồng dâu, nuôi tằm

02:07, 04/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, chính quyền huyện Nghĩa Hành và xã Hành Nhân đã “bắt tay” với các doanh nghiệp để  khôi phục nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền thống ở địa phương, nhưng vẫn không đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân chính là thiếu nhân công lao động và quyết tâm vực dậy nghề của người dân.

TIN LIÊN QUAN

Mai một nghề truyền thống

Hơn 10 năm trước, thôn Bình Thành, xã Hành Nhân được xem là “thủ phủ” của nghề trồng dâu, nuôi tằm ở huyện Nghĩa Hành. Khi ấy, địa phương này có đến gần 50ha dâu, với hơn 50 hộ nuôi tằm. Giờ đây, số người trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương này chỉ còn “đếm trên đầu ngón tay”.

Lý giải nguyên nhân này, Trưởng thôn Bình Thành Võ Văn Hoàng cho biết: “Bây giờ chỉ còn người già mới làm nghề, lớp trẻ không ai mặn mà nữa. Thay vì trồng dâu, nuôi tằm, họ đi tìm các ngành nghề khác, có thu nhập cao hơn. Cả thôn giờ chỉ còn chưa đến 10 hộ bám nghề. Vì vậy, diện tích trồng dâu của xã cũng giảm dần”.

Người dân thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) thu hoạch tằm.
Người dân thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) thu hoạch tằm.

Là người có thâm niên lâu năm trong nghề, ông Nguyễn Văn Đóa (65 tuổi) hiểu rất rõ những thăng trầm của nghề trồng dâu, nuôi tằm. Ông Đóa bộc bạch: Có những năm, người dân nuôi tằm nhiều, cho kén đạt lại không ai mua, đành phải bán rẻ. Còn năm bỏ đồng dâu, bỏ con tằm, giá lên cao, bà con tiếc hùi hụi. Trải qua những thăng trầm, do kỹ thuật nuôi hạn chế, lạc hậu, đầu ra sản phẩm thiếu ổn định... nên hầu hết người dân không còn mặn mà với nghề trồng dâu, nuôi tằm, làng nghề đứng trước nguy cơ mai một.

Cần được khôi phục

Theo lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Hành, mới đây, nhiều công ty cũng đặt vấn đề tìm giải pháp để vực dậy nghề trồng dâu, nuôi tằm ở một số địa phương, trong đó có xã Hành Nhân. Sau khi khảo sát, các công ty này mong muốn phát triển những dự án lớn, với phương thức sản xuất theo kiểu hàng hóa, quy mô và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, trước thực tế thiếu nguồn nhân công lao động và người dân vẫn sản xuất, nuôi trồng theo kiểu truyền thống, nên việc triển khai hiện gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch UBND xã Hành Nhân Nguyễn Đăng Trí chia sẻ: “Địa phương rất muốn khôi phục nghề trồng dâu, nuôi tằm, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Người dân vẫn muốn giữ lối sản xuất theo kiểu truyền thống, làm bao nhiêu, bán bấy nhiêu, làm nhiều sợ không có đầu ra. Hơn nữa, nghề này đang bị “già hóa” về lao động, nên rất thiếu nhân công. Do đó, việc tăng diện tích, tăng số hộ để đảm bảo điều kiện doanh nghiệp yêu cầu rất khó thực hiện”.

Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành Lê Quang Nhu cho rằng: “Nếu xét điều kiện để hình thành vùng chuyên canh và sản xuất theo kiểu hàng hóa, phải có hơn 50 hộ nuôi tằm và diện tích trồng dâu của địa phương phải từ 10ha trở lên. Hiện đã có một số công ty, doanh nghiệp đặt vấn đề, nhưng xã Hành Nhân chưa đáp ứng được điều kiện đặt ra, nên khó vực dậy nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền thống ở địa phương. Nếu hình thành được vùng sản xuất chuyên canh, sẽ là điều kiện rất tốt cho đầu ra của sản phẩm”.

Bài, ảnh: HOÀI BIỆT


.